Đại biểu Quốc hội: Luật báo chí cần phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam

Theo đại biểu Phạm Xuân Thăng đoàn Hải Dương, cần phải nhìn nhận mạng xã hội như một xu thế tất yếu khách quan, nếu dùng chế tài nhà nước có thể tạo ra những phản ứng xã hội gay gắt.
Đại biểu Quốc hội: Luật báo chí cần phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam ảnh 1Đại hiểu Phạm Xuân Thăng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Luật Báo chí (sửa đổi) được cho là một điểm đột phá nhằm tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn cho các nhà báo hoạt động.​

Luật cũng quy định rõ việc đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thông tin phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội cũng như yêu cầu của công tác hội nhập.

Bên lề kỳ họp thứ 11, quốc hội khóa 13, đại biểu Phạm Xuân Thăng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương (đoàn Hải Dương) đã có một số trao đổi với VietnamPlus về những điểm mới của luật này.

- Thưa ông, Luật báo chí (sửa đổi) đã được quốc hội thông qua tại kỳ họp 11, khóa 13, theo ông luật lần này có những điểm nhấn gì nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Tôi rất quan tâm đến luật báo chí (sửa đổi) và tôi cho rằng đây là một sự cụ thể hóa hiến pháp năm 2013 về vấn đề bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân trên báo chí và quyền tự do báo chí cũng như là bước tiến của luật báo chí mới so với luật báo chí cũ.

Đại biểu Quốc hội: Luật báo chí cần phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam ảnh 2Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: ibtimes.co.uk)

Đáng chú ý, một số điểm trong luật lần này thật sự mới, có tính đột phá và thông qua đó tạo ra cơ chế, hàng lang pháp lý thuận lợi hơn cho báo chí hoạt động,

Cụ thể là luật quy định rất rõ đi kèm theo cơ chế đảm bảo quyền tự do ngôn luận, báo chí của công dân. ​Quan trọng là quyền tự do báo chí được quy định cụ thể hơn. Một điểm mới nữa là luật quy định quyền được tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí đối với các cơ quan nhà nước nói chung và các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Ngoài ra, luật báo chí (sửa đổi) cũng quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý đối với các cơ quan báo chí và tiếp đến là quy định quyền và trách nhiệm của nhà báo và một điểm đáng quan tâm là luật mới cũng quy định những điểm cấm được quy định trong hoạt động báo chí, đó là những quy định tạo nên sự mới mẻ của luật báo chí và cũng tạo nên những điểm nhấn trong luật báo chí (sửa đổi).

- ​Thưa ông, khái niệm tự do báo chí và tự do ngôn luận ​cũng cần được đánh giá và xem xét cụ thể như thế nào?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Tôi nghĩ việc nêu vấn đề như vậy cũng đúng,​ tuy vậy cũng cần nhìn nhận hai vấn đề trên rất là biện chứng và triết học, đó là quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận là quyền của con người, nhưng nó phải đặt trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể và trong không gian phát triển của từng quốc gia, từng dân tộc.

Chúng ta chưa thể so sánh quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của chúng ta với những nước tư bản phát triển mà chúng ta phải đặt trong bối cảnh hiện nay, bởi chúng ta đang trong giai đoạn kinh tế thị trường, thể chế kinh tế thị trường đang được hình thành và đang từng bước đi vào cuộc sống, chi phối mọi mặt đời sống xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Do vậy, quyền đó cũng được quy định phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam thì mới có tính khả thi, nên theo tôi những quy định hiện nay trong luật cơ bản đã rõ và cũng phù hợp với điều kiện thực tế đất nước.

Tránh chế tài với mạng xã hội

- Gần đây nhiều thông tin trên các trang mạng xã hội rất được chú ý, ​việc này vừa tạo điều kiện tốt để mọi người dân có thể đóng góp ý kiến, tuy nhiên có một số những mặt trái là nhiều thông tin không chính xác, lợi dụng để làm hại người khác, vậy ​theo ông có cần những quy định ​cụ thể đối với thông tin đưa ra trên mạng xã hội hay không?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: ​Theo tôi cần phải nhìn nhận mạng xã hội cũng như các trang báo điện tử như một xu thế tất yếu khách quan của thế giới phẳng này.​

Đối với mạng xã hội hiện nay chúng ta chưa có các chế tài một cách cụ thể về quản lý nhà nước mà thực ​tế là đang lúng túng về quản lý hoạt động của mạng xã hội, ngay trong luật báo chí cũng không quy định rõ, do vậy đây cũng là vấn đề trong luật cần tiếp tục nghiên cứu.

Tuy nhiên, mạng xã hội cần cư xử nó như một hiện tượng xã hội, một hoạt động mà mọi người dân có hiểu biết về công nghệ thông tin nhất định đều có thể tham gia được, cho nên nếu như dùng chế tài nhà nước thì có thể tạo ra những phản ứng xã hội gay gắt.

Trước thực tế đó, cần có giải pháp, chẳng hạn như dùng báo chí chính thống, dùng báo điện tử để định hướng dư luận xã hội, định hướng hành vi ứng xử con người để mọi người dần dần từng bước một phân biệt được thông tin nào là tích cực, thông tin nào là tiêu cực, thông tin nào là chính thống, thông tin nào là đáng tin cậy hay không đáng tin cậy, tức là tự mỗi con người tạo ra bộ lọc của mình.

- Nhưng sự lan tỏa của mạng xã hội rất nhanh và thông tin cũng vì thế mà khó kiểm soát, nhiều trong số đó dễ gây hiểu lầm, vậy theo ông nên chăng có một biện pháp nào để đảm bảo cho mạng xã hội vừa phát triển, vừa có tác dụng tốt đối với dư luận không?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Tôi nghĩ nếu định hướng sẽ rất khó vì mạng xã hội phát triển rất nhanh và đa dạng, mà mọi người đều có thể tham gia mạng xã hội. Đơn cử, nếu tôi có một chiếc điện thoại thông minh thì cũng dễ dàng đưa hình ảnh, âm thanh và tiếng nói lên mạng được và tạo sự chú ý của người khác.

Từ thực tế đó, nếu chúng ta dùng hệ thống luật phát để chi phối lĩnh vực này thì sẽ phải cần có một cơ quan quản lý nhà nước rất cồng kềnh và đồ sộ thì mới quản lý được và như vậy việc quản lý cũng rất là khó.

Do vậy, cần có một chế tài đối với những người đưa thông tin xấu, độc hại mà ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội dẫn đến hiệu quả nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính để răn đe, chứ không thể để diễn ra tự phát như thế được.

Đại biểu Quốc hội: Luật báo chí cần phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam ảnh 3Các nhà báo tác nghiệp bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

"Báo chí 'ngửa tay' xin thông tin!"

- Như ông nói, trong luật báo chí sửa đổi có làm rõ hơn việc các nhà báo khi tác nghiệp được tiếp cận thông tin một cách tốt hơn và sâu rộng hơn, tuy nhiên với quy định hiện nay về cơ chế người phát ngôn thì khi tác nghiệp, nhà báo vẫn gặp khó khăn để có được những thông tin phản hồi mang tính thời sự và chính xác?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Thực ra chúng ra đã có cơ chế rồi, các cơ quan, đơn vị đều cử ra người phát ngôn. Trong luật báo chí cũng quy định rất rõ là các cơ quan phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo tiếp cận các nguồn thông tin, trừ các thông tin bị cấm hoặc những thông tin chưa được phép công bố.

Nhưng vấn đề chính vẫn là nhận thức, trong đó nhận thức của người đứng đầu các cơ quan vẫn còn nhiều người ngại tiếp xúc với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí và dẫn đến hai bên không hợp tác được với nhau.

Một bài học kinh nghiệm vừa qua tại Hải Dương cho thấy, khi chúng tôi chủ động làm việc với báo chí, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí thì rất có lợi cho hoạt động điều hành phát triển kinh tế ở địa phương.

Ví dụ, việc giải quyết điểm nóng ở Hải Dưởng, lãnh đạo Ban Tuyên giáo của tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin chính thống cho báo chí về những điểm nóng đó và thông qua đó đã giúp cho việc giải quyết điểm nóng rất tốt.

Qua thực tế trên, theo tôi pháp luật đã quy định rõ rồi và đã có chế tài một cách cụ thể thì các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan có chức năng phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, nâng cao nhận thức của họ và cho thấy việc hợp tác một cách có hiệu quả với báo chí sẽ mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực.

- Vậy sự tương tác giữa các cơ quan báo chí hiện nay với các địa phương cần có những quy định thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý cũng như chất lượng thông tin, thưa ông?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Tôi cho là cần có quy định cụ thể, ví dụ sau khi Chính phủ họp phiên thường kỳ sẽ tổ chức họp báo công bố kết quả Chính phủ ngay, đối với các địa phương cũng cần phải như vậy.

Ví dụ cần có quy định sau khi họp Ủy ban nhân dân tỉnh xong thì cũng phải có thông tin cho báo chí. Việc tiếp cận thông tin báo chí thông qua kênh của Ủy ban tỉnh rất thiết thực, hoặc định kỳ 3-6 tháng cung cấp thông tin và chủ động cung cấp thông tin, chứ không phải báo chí đến xin thông tin.

Và quan trọng hơn khi có sự kiện lớn của địa phương, hoặc khi có các dự án đầu tư, điểm nóng và dư luận nổi lên thì phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, tức là phải có một quy chế quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong việc hợp tác với báo chí, tránh việc báo chí phải "ngửa tay" đi xin thông tin.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục