Đại biểu Quốc hội phải thực sự có trách nhiệm với việc giám sát

Các đại biểu Quốc hội cho rằng dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017 đưa ra rất sát thực. Tuy nhiên, để hiệu quả, bản thân mỗi đại biểu cần phải thực sự có trách nhiệm với công việc.
Đại biểu Quốc hội phải thực sự có trách nhiệm với việc giám sát ảnh 1Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất được quan tâm. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Sáng 25/7, trong chương trình Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã nghe tờ trình dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định hai trong bốn nội dung cụ thể để giám sát, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP); Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên lề hành lang kỳ họp, các đại biểu đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh): Đánh giá lại để giám sát hiệu quả

Giám sát là một trong những chức năng của Quốc hội. Chuyên đề giám sát năm 2017 đưa ra là những vấn đề nóng và bức xúc cần phải quan tâm. Tôi nghĩ cả bốn nội dung đưa ra để lựa chọn đều rất cần thiết, đều nóng. Trong đó, đặc biệt là vấn đề giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh và vấn đề về an toàn thực phẩm.

Tôi cho rằng, cần phải đổi mới trong quá trình giám sát để đạt được hiệu quả cao. Quốc hội nên đánh giá lại vấn đề giám sát trong thời gian qua đã đạt được hiệu quả như thế nào, mặt nào còn tồn tại để rút kinh nghiệm.

Đại biểu Quốc hội phải thực sự có trách nhiệm với việc giám sát ảnh 2Đại biểu Tăng Thị Ngọc M​ai. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Để giám sát có hiệu quả hơn, các đại biểu Quốc hội phải làm đúng chức năng của mình, làm thực sự có trách nhiệm chứ không chỉ hình thức, qua loa.

Nhận xét về sự chồng chéo trong giám sát, Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng trong các nội dung giám sát đều phân chuyên đề và các Ủy ban phụ trách theo lĩnh vực của mình nên chồng chéo không nhiều.

Đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang): Nóng chuyện môi trường, an toàn thực phẩm

Những nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra giám sát rất sát với những vấn đề cử tri cả nước đang quan tâm, nhất là với vệ sinh an toàn thực phẩm, đến môi trường.

Chúng tôi thấy, nên tập trung và rút kinh nghiệm chuẩn bị giám sát, xác định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, nội dung sau giám sát thực hiện như thế nào… là những vấn đề mà cần phải quan tâm.

Bên cạnh đó, khi đi giám sát phải căn cứ vào quy định pháp luật để xác định được những ý kiến, kiến nghị sát với thực tế, đáp ứng được yêu cầu, khả năng thực hiện cũng như mong muốn của người dân. Đặc biệt, qua giám sát phải nói rõ được nguyên nhân của sự việc cũng như giải pháp thực hiện. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng giám sát của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội phải thực sự có trách nhiệm với việc giám sát ảnh 3Đại biểu Ngô Sách Thực. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre): Phải quy trách nhiệm

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trước đây đã có giám sát rồi nhưng thẩm quyền và trách nhiệm thuộc về ai? Chúng ta đã thấy từ trang trại đến mâm cơm nhiều ngành quá mà không quy được trách nhiệm cho ai và người dân hàng ngày phải chịu nỗi khổ đó. Do đó, tới đây cần phải tính toán, khi giám sát rồi thì phải xác lập thẩm quyền và điều chỉnh, xử lý trong hệ thống pháp luật để làm sao quy định được trách nhiệm.

Với BOT trong giao thông, chúng ta đã biết đây không phải là vướng về mặt pháp luật. Pháp luật quy định 70 km có một trạm thu BOT nhưng thực tế lại không như vậy và đây là vấn đề do cách tổ chức thực hiện, làm cho người dân phải gánh chịu phí. Điều này sẽ làm cho sự cạnh tranh của nền kinh tế từ phí vận chuyển, chuyên chở quá lớn ảnh hưởng tới tăng trưởng.

Nếu không điều chỉnh vấn đề này thì sau này đầu tư BOT sẽ không rõ ràng, minh bạch và không kêu gọi được. Ngoài ra, việc người dân phải gánh chịu phí quá lớn sẽ ảnh hưởng đến đời sống cũng như sự phát triển của đất nước.

Còn những nội dung khác như kinh tế biển trong nghị quyết Đại hội Đảng đã xác định phải tiến ra biển, phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, vấn đề an ninh và tranh chấp hiện nay cũng như việc đầu tư cho biển dù đã có chính sách nhưng khi thực hiện lại chậm. Do vậy, Quốc hội cần tính toán điều chỉnh cho phù hợp.

Tôi cũng cho rằng không nên quá tập trung vào các vấn đề kinh tế khi giám sát. Có 4 chuyên đề thì Quốc hội chọn 2, còn lại 2 lĩnh vực để Thường vụ Quốc hội giám sát. Do đó, nên chọn 1 vấn đề kinh tế và 1 xã hội để giải quyết hài hòa trong mối quan hệ điều hành của Chính phủ và quy trách nhiệm đến cùng để việc giám sát mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục