Đại biểu Quốc hội: “Tư lệnh ngành nhậm chức, hãy cam kết trước dân"

Đại biểu Bùi Thị An đề nghị thời gian tới, trước khi nhậm chức, các tân "tư lệnh" cần cam kết và hứa với dân xem thực trạng ngành, địa phương như vậy thì có nhận và làm được không?
Đại biểu Quốc hội: “Tư lệnh ngành nhậm chức, hãy cam kết trước dân" ảnh 1Đại biểu Bùi Thị An cho biết thời gian qua một số bộ trưởng đã thể hiện được phẩm chất, năng lực của mình. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Trong thời gian qua, nhiều bộ trưởng đã có những quyết tâm nhằm đưa ngành mình có những bước tiến nhảy vọt. Song, có ý kiến cho rằng, nhiều tư lệnh ngành vẫn theo “tư duy cũ.”

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đã trao đổi về vấn đề này.

- Thưa Đại biểu Bùi Thị An, bà có đánh giá như thế nào về vai trò của các bộ trưởng trong thời gian qua?

Đại biểu Bùi Thị An: Nhận xét chung về tổng thể thì khó bởi có những đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện được phẩm cách, năng lực của mình trước Quốc hội, nhân dân bằng những giải pháp mang tính chất đột phá, có những bước tiến nhảy vọt. Điều này, không phải là nước ngoài đánh giá, lãnh đạo đánh giá mà được cử tri ghi nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn một số đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành chưa làm được điều đó. Các đồng chí vẫn tư duy theo nếp cũ, thường giao quá nhiều cho cấp phó của mình hoặc các cấp tham mưu.

Tôi lấy ví dụ, quy định trong Luật tiếp công dân ghi rất rõ các đồng chí thủ trưởng ngành, các bộ, các địa phương phải tiếp nhưng khi tôi đi giám sát một số nơi thấy rất ít các đồng chí làm được như vậy. Điều này dẫn đến việc đơn khiếu kiện, tố cáo của dân giải quyết rất chậm.

Luật đã quy định các đồng chí là người có đủ thẩm quyền, có thể giải quyết ngay, thậm chí tôi thấy có những nơi chỉ cần 20-30 phút là giải quyết xong vụ việc kéo dài đến 10 năm. Đó là hiệu quả công việc, trách nhiệm của các đồng chí với dân. Với một số đồng chí không làm được, tôi cho rằng như thế là thiếu trách nhiệm.

Muốn kiểm tra đánh giá trách nhiệm các bộ trưởng, đầu tiên phải xem lại chức năng nhiệm vụ của bộ ấy như thế nào, được quy định bằng văn bản có chức năng gì. Sau đó, từng mục một nên có đánh giá một cách cụ thể, chứ cứ chung chung thì rất khó làm cho các đồng chí bộ trưởng thấy rõ trách nhiệm của mình để phấn đấu trong quá trình phục vụ dân, đất nước.

- Trên thực tế cho thấy, tình trạng cán bộ công chức nhũng nhiễu với dân còn xảy ra rất nhiều. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào? Vai trò của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trong việc này ra sao?

Đại biểu Bùi Thị An: Đúng là hiện tượng công chức nhũng nhiễu đang còn tồn tại,​gây nhức nhối toàn xã hội. Nhà nước, Quốc hội muốn xử lý đến cùng những hạt sạn trong bộ máy của chúng ta.

Tuy nhiên, để làm được việc này nên bắt đầu từ đầu. Có nghĩa là nên bắt đầu từ quy trình tuyển chọn, đào tạo, bổ nhiệm và đề bạt bởi vì ta thường lập luận các quy trình đúng nhưng cho kết quả sai.

Tôi nghĩ với những người đứng đầu cơ quan có tầm, có tâm, có trách nhiệm thì sẽ phát hiện ra ngay quy trình đó có vấn đề và phải sửa, sau đó mới xem đến các chuyện khác.

Công tác cán bộ là việc của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nên khi có sai phạm cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Không nên để như tình trạng vừa rồi, ở một số vụ việc xảy ra, có lỗi thì lại xem xét xử lý người có cấp rất thấp.

Tôi nghĩ rằng, thời gian tới đây, ai nhậm chức hãy cam kết và hứa trước dân xem thực trạng bộ, ngành, địa phương như thế có nhận được không và nhận thì sẽ làm như thế nào? Khẩu hiệu “nói đi đôi với làm” cần là mục tiêu để phấn đấu.


- Thưa bà, vậy việc giám sát của chúng ta đối với các bộ trưởng như thế nào?

Đại biểu Bùi Thị An: Công tác vừa qua có bước tiến, song hậu giám sát còn chưa tốt. Cụ thể, sau khi đã phát hiện ra, có kết luận thì việc tổ chức thi hành các Nghị quyết về giám sát còn chưa tốt.

Bây giờ, Quốc hội yêu cầu các bộ trưởng kiểm tra lại lời hứa, đánh giá lại xem đã làm được gì và tôi cho rằng đây là hình thức đổi mới sẽ đem lại kết quả.


- Xin cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục