Đại biểu Quốc hội: Vừa mừng vừa lo về cơ cấu vốn vay ODA hiện nay

Để nguồn vốn sử dụng hiệu quả, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng cần phải quy trách nhiệm cá nhân, có địa chỉ rõ ràng thì dự án mới đúng mục đích.
Đại biểu Quốc hội: Vừa mừng vừa lo về cơ cấu vốn vay ODA hiện nay ảnh 1Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ODA ưu đãi nên Nhà nước chỉ tập trung nguồn vốn vào những lĩnh vực then chốt và thu hẹp phạm vi cấp phát từ Ngân sách.

Để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đoàn thành phố Hà Nội cho rằng khi phân cấp cho địa phương cần phải quy trách nhiệm cá nhân, phải có địa chỉ rõ ràng thì dự án mới hiệu quả.

Cần nâng cao trình độ quản lý vốn ODA

- Bà đánh giá thế nào về việc sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian vừa qua?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Trong thời gian vừa qua, đặc biệt 2014-2015, hạ tầng của Việt Nam, với sự nỗ lực của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp, hạ tầng đã có bước tiến vượt bậc, nhờ một phần vốn ODA.

Thời gian sắp tới, báo cáo Chính phủ nêu rõ, thu nhập bình quân đã được nâng lên, hiện chúng ta đang nằm ở ngưỡng trung bình thấp. Tất nhiên, với sự nỗ lực toàn xã hội, thu nhập bình quân người dân tiếp tục tăng lên, chính như vậy những nguồn vốn ưu đãi ODA giá rẻ, thời gian dài sẽ không còn nữa.

Cho đến hiện nay, trong cơ cấu vốn ODA còn có cả vốn vay hỗn hợp, tức là điều kiện về lãi suất không được hưởng như trước. Điều này vừa mừng vừa lo. Mừng vì sự phát triển của đất nước, rõ ràng chúng ta đã phát triển thì mức vay cho các nước chậm phát triển mới không còn nữa.

- Với thời gian trả nợ từ 30-40 năm xuống chỉ còn 15-20 năm và lãi suất từ 2-3,5% thay vì mức 1% trước đó. Đây có phải là phương án tốt cho Chính phủ khi đi vay hay không?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Tôi nghĩ nước ta cần nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật và chính vì thế khi cần nhiều nguồn lực rất cần vốn ODA, chỉ có điều khi chúng ta đang phát triển lên trình độ nào đó thì kỹ năng quản lý, trình độ quản lý về vốn, hiệu quả của các công trình sử dụng ODA phải nâng lên.

Việt Nam có thể làm được điều này và tôi tin trong 5 năm sắp tới, với sự năng động của Chính phủ, cơ cấu của nhân sự mới với sự quyết tâm và nhận thức rõ ràng về vị trí của mình thì trình độ quản lý của chúng ta sẽ được nâng lên. Tôi nghĩ việc sử dụng ODA sẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới.

- Theo bà, chúng ta có nên tìm một nguồn lực khác để thay thế hay không và việc đó có dễ dàng không trong thời điểm hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Trong nghị quyết của Đại hội Đảng 12 có khẳng định rõ vai trò khối doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân là động lực phát triển của đất nước. Tôi mong muốn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước thì Chính phủ cũng như Nhà nước phải có cơ chế để thúc đẩy thu hút khối doanh nghiệp tư nhân này tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp chung, phát triển cơ sở hạ tầng. Kinh tế tư nhân chính là kinh tế toàn dân. Sức mạnh toàn dân là sức mạnh vô địch, tạo nên nhiều chiến thắng cho chúng ta.

Đại biểu Quốc hội: Vừa mừng vừa lo về cơ cấu vốn vay ODA hiện nay ảnh 2Cầu Nhật Tân - công trình sử dụng nguồn vốn vay Nhật Bản. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

"Cần quy trách nhiệm cá nhân, hiệu quả đầu tư sẽ tốt hơn"

- Ở góc độ địa phương, nguồn vay ODA thay vì được cấp phát sẽ ở tình trạng vay lại. Việc này có giúp hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan, dự án chậm tiến độ không thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Chắc rằng trong 5 năm tới Chính phủ sẽ có cách thức quản lý tốt hơn, đặc biệt là lãi suất-thời gian vay vốn ODA không được như xưa nữa thì việc phân bổ nguồn vốn về cho vay lại sẽ được kiểm soát tốt hơn, làm cho các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm khi sử dụng vốn.

Khi Chính phủ đi vay về và cho vay lại, việc quản lý tốt hay không sẽ đánh giá vào năng lực quản lý của lãnh đạo địa phương đó. Khi được quy về trách nhiệm cá nhân thì việc quản lý tốt hơn nhiều.

- Như bà nói, quy về cá nhân, theo bà, có cần làm rõ cơ chế trách nhiệm trong quyết định dự án không? Người trực tiếp ký dự án có cần chịu trách nhiệm không hay vẫn quy về chịu trách nhiệm tập thể?


Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường:
Tôi cho rằng khi phân cấp cho địa phương trong đầu tư có quy trình đầu tư nhưng ý kiến cá nhân của tôi cho rằng cần phải quy trách nhiệm cá nhân, có địa chỉ rõ ràng, có người chịu trách nhiệm thì hiệu quả đầu tư sẽ tốt hơn.

- Theo bà, vai trò giám sát Quốc hội trong quản lý ODA đã phát huy hết hay chưa?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Thực tế Quốc hội có nhiều chương trình giám sát. Khóa 13, Quốc hội đã giám sát nhiều vấn đề rất thiết thực với đời sống người dân, được người dân, cử tri cả nước hết sức ủng hộ bày tỏ sự tán thành cao. Có những chương trình giám sát như oan sai nhận được sự tán thành của người dân và cử tri.

Đối với sử dụng dụng ODA chỉ là một trong những lĩnh vực giám sát của Quốc hội. Tất nhiên Quốc hội khóa mới sẽ xây dựng chương trình giám sát, đồng thời Quốc hội có những chương trình giám sát chuyên đề thì có lẽ ODA sẽ là một trong những giám sát chuyên đề đó trong trường hợp Quốc hội đưa vào chương trình giám sát của mình.

Tôi hy vọng với quyết tâm cao trong việc sử dụng hiệu quả ODA của Chính phủ, giám sát của người dân, đặc biệt là cơ chế giám sát từ Mặt trận Tổ quốc thì việc sử dụng ODA và nhiều lĩnh vực khác của đời sống, sự giám sát của các cấp ngành sẽ làm cho hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn, những vấn đề nóng người dân quan tâm sẽ được giám sát chặt chẽ, có tính hiệu quả cao hơn.

- Xin cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục