Đại dịch COVID-19 có thể là "chất xúc tác" cho cuộc cải cách của WHO

WHO đang thiếu năng lượng, thiếu các khoản tài trợ và cần cải cách cơ bản để có thể cung cấp cho tổ chức này những nguồn lực cần thiết nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19 có thể là "chất xúc tác" cho cuộc cải cách của WHO ảnh 1Xe buýt chở các chuyên gia thuộc phái đoàn điều tra của WHO sau khi họ tới Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 14/1/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 19/1, Ủy ban đánh giá độc lập cho rằng đại dịch COVID-19 có thể là chất xúc tác cho cuộc cải cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tương tự như thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 đã buộc cơ quan quản lý hạt nhân của Liên hợp quốc phải thay đổi khẩn cấp. 

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Ủy ban trên - được thành lập để đánh giá phản ứng toàn cầu đối với dịch bệnh COVID-19, nhấn mạnh WHO đang thiếu năng lượng, thiếu các khoản tài trợ và cần cải cách cơ bản để có thể cung cấp cho tổ chức này những nguồn lực cần thiết nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm chết người.

Phát biểu tại cuộc họp báo, đồng Chủ tịch của Ủy ban, cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cho biết hội đồng không đổ lỗi cho WHO mà đưa ra các khuyến nghị cụ thể để giúp thế giới phản ứng nhanh hơn và tốt hơn trong tương lai.

Theo bà Johnson Sirleaf, tổ chức này hiện không đủ năng lực và thiếu nguồn lực để thực hiện công việc như mong đợi và ông tin rằng WHO “có thể cải tổ.”

Bà Johnson Sirleaf cùng đồng Chủ tịch, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark nhiều lần lưu ý rằng khả năng của WHO và các quốc gia để thực hiên điều tra nguồn gốc bùng phát dịch bệnh đang bị hạn chế nghiêm trọng.

[Tổng Giám đốc WHO nêu bật ba bài học từ đại dịch COVID-19]

Bà Helen Clark đặt ra câu hỏi liệu đây có thể là “thời điểm Chernobyl” đối với WHO và hệ thống y tế toàn cầu hay không và các quốc gia thành viên của tổ chức sẽ phải đối mặt với vấn đề này.

Hồi tháng 7 năm ngoái, WHO thông báo thành lập Ủy ban độc lập nhằm đánh giá phản ứng quốc tế dưới vai trò phối hợp của tổ chức này với đại dịch COVID-19.

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đóng vai trò đồng Chủ tịch Ủy ban độc lập này.

Cũng trong ngày 20/1, Mỹ cho rằng các quốc gia thành viên phải dẫn đầu các nỗ lực cải tổ WHO.

Trong hội nghị trực tuyến tại Geneva, người đứng đầu Phái đoàn Mỹ, Garrett Grigsby, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, nói với Hội đồng chấp hành WHO rằng: “Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp cho WHO và hệ thống quốc tế rộng lớn hơn các công cụ để thực hiện công việc một cách hiệu quả, độc lập và minh bạch. Chúng ta phải nỗ lực trong thời điểm này ngay cả khi chúng ta chống lại đại dịch và phục hồi nền kinh tế."

Phát biểu thay mặt cho Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Đặc phái viên của Anh cho rằng bất kỳ cải cách nào của WHO đều cần phải "tham vọng và có cơ sở chắc chắn." 

Nhiều chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ, Australia và Liên minh châu Âu, đang kêu gọi cải tổ hoặc tái cơ cấu WHO trong bối cảnh tổ chức này bị chỉ trích về phản ứng đối với sự bùng phát của COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục