Đại dịch COVID-19 có khiến Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại?

Để đối phó với cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra, đang làm đảo lộn cuộc sống hiện nay, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng phải thay đổi.
Đại dịch COVID-19 có khiến Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại? ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới phòng cấp cứu tại bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 16/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo bài viết trên tờ the Hill, người Mỹ đang tự vấn rất nhiều câu hỏi khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xảy ra, từ hệ thống y tế công và sự phân cực chính trị đến khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ.

Có vẻ như cách thức mà Mỹ thực hiện và truyền tải mối quan hệ của mình với các nước đồng minh và các đối thủ cạnh tranh chưa thấy hướng đi rõ ràng.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe đang đảo lộn cuộc sống hiện nay, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng phải thay đổi.

Mỹ đang rất cần xem xét lại chính sách tại khu vực châu Phi cận Sahara. Virus SARS-CoV-2 đang tàn phá lục địa này với số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng lên, các nền kinh tế đang bị tác động nặng nề và đáng ngại, giai cấp chính trị đang tự cô lập.

Những thiệt hại do COVID-19 mang lại sẽ còn tồi tệ hơn nữa đối với khu vực này trong các tuần tới bởi đây là khu vực rất dễ bị tổn thương với hệ thống y tế yếu, mật độ dân cư đông và xung đột an ninh cản trở những nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.

Điều này lại mang đến cơ hội cho Mỹ để làm mới các chính sách, chương trình ngoại giao công chúng đối với khu vực châu Phi hạ Sahara.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách của Mỹ đối với khu vực này khá nhất quán. Luôn luôn có sự đồng thuận về chính sách của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ đối với khu vực này và đây là sự tự hào trong giới chính sách châu Phi.

Thậm chí, cả chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn không thích nhiều nguyên tắc và chương trình lâu đời, cũng đã cố gắng để không phá vỡ các chính sách trong quá khứ.

Tuy nhiên, sự tàn phá của đại dịch đang buộc Chính phủ Mỹ làm khác đi. Tình thế hiện nay đòi hỏi cần có một cách tiếp cận mới.

Đầu tiên, đó là đã đến lúc phải thay đổi các chương trình của Mỹ ở châu Phi cận Sahara. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thường thấy châu Phi là một lục địa xa xôi và không có kết nối toàn cầu. Các nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp hoặc các ngành công nghiệp khai thác.

Sự bùng phát dịch COVID-19 đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải tính toán với một lục địa đô thị quốc tế năng động và hội nhập.

Virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng ở các thành phố trong khu vực này nơi chiếm tới 40% dân số và dịch bệnh đang tàn phá khu vực kinh tế không chính thức, nơi có 85% người châu Phi đang làm việc.

Trong khi đó, người châu Phi đang dựa vào sự truy cập nhanh chóng của Internet để làm việc, để giao dịch và giữ liên lạc với thế giới.

Như vậy, ít nhất những thay đổi này là một dấu hiệu cho thấy Mỹ nên chuyển chính sách của mình sang các khu vực đô thị và đầu tư vào công nghệ và khai thác khu vực kinh tế không chính thức mà từng không được đánh giá cao. Điều quan trọng là tăng cường mối quan hệ với các nhà lãnh đạo thành phố và chỉ đạo Tập đoàn Tài chính Phát triển mới của Mỹ ưu tiên truy cập băng thông rộng, điện và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác.

Thứ hai, đại dịch COVID-19 là cơ hội để xác định lại cách thức Mỹ làm việc với các đối tác châu Phi. Kể từ đầu những năm 2000, sự tham gia của Mỹ với các dịch vụ an ninh châu Phi đã được định hình gần như hoàn toàn bởi các ưu tiên chống khủng bố. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế cho thấy rằng có những mối đe dọa chết người khác đối với khu vực.

Các đồng minh của Mỹ như Ethiopia, Senegal và Uganda đang sử dụng lực lượng an ninh của họ để bảo đảm biên giới và thực thi các hạn chế và biện pháp này không phải lúc nào cũng có kết quả tích cực.

[Mỹ: Thâm hụt ngân sách sẽ tăng khoảng 1.800 tỷ USD do dịch COVID-19]

Đã có báo cáo về sự lạm dụng lực lượng an ninh ở một số quốc gia, bao gồm Kenya. Mỹ cần vượt ra khỏi ưu tiên chống chủ nghĩa khủng bố và tập trung vào việc xây dựng các quan hệ đối tác an ninh có trách nhiệm nhằm giải quyết các thách thức về sức khỏe và nhân đạo, không chỉ là chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Chính phủ Mỹ cũng cần coi đây là cơ hội để khẳng định lại cam kết của mình đối với dân chủ, nhân quyền và việc quản lý tốt. Vị thế của Mỹ luôn được củng cố bởi sự hỗ trợ không cần giải thích cho các giá trị chung, bao gồm tự do ngôn luận, quyền cá nhân và bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Các nhà lãnh đạo châu Phi có trách nhiệm với cử tri cho thấy các giá trị trên và có nhiều khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng này. Chẳng hạn, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tìm cách hợp tác với khối dân sự và tư nhân để thực hiện cuộc tấn công toàn diện đối với dịch bệnh này.

Đại dịch COVID-19 có khiến Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại? ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các phương tiện truyền thông khu vực gây sức ép các chính phủ chia sẻ thông tin cập nhật và chống lại các thông tin sai lệch. Mỹ cần nối lại quan hệ đối tác với các nhà cải cách dân chủ song song với các khoản đầu tư vào các cơ quan lập pháp, tư pháp và các tổ chức xã hội dân sự.

Cuối cùng, Mỹ cần khôi phục ngoại giao công chúng mà đang kém hơn Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng này. Trong bối cảnh này, các quan chức của Mỹ phải sáng tạo hơn, không thể phòng thủ hay chỉ dựa vào các tuyên bố trên trang web của đại sứ quán.

Đã đến lúc để các nhà ngoại giao thử nghiệm và tham gia với các cộng đồng trẻ và hiểu biết về công nghệ của châu Phi.

Các đại sứ của Mỹ phải thể hiện sự khéo léo của người Mỹ nếu họ muốn kết nối với công chúng châu Phi như việc lấy lòng các ngôi sao nhạc pop có ảnh hưởng trong khu vực, các ngôi sao phim, các biểu tượng thể thao.

Một số nhà ngoại giao cho đến nay đang thích nghi với môi trường mới này, chẳng hạn như Đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Dịch COVID-19 là thảm họa chưa từng thấy đối với cả Mỹ và châu Phi cận Sahara. Mặc dù rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe trong nước, song Chính phủ Mỹ không thể để lỡ cơ hội này để hỗ trợ các đối tác châu Phi trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Cũng sẽ là bi kịch nếu Mỹ lãng phí thời điểm này để phát triển chính sách của mình và xác định lại các mối quan hệ của mình để đối đầu với một thực tế mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục