Đại dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng chững lại

Đại dịch HIV tại VN có xu hướng chững lại và không tăng nhanh như những năm trước, nhưng về cơ bản vẫn chưa khống chế được dịch.
Theo Cục phòng chống HIV, Bộ Y tế, dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng chững lại và không tăng nhanh như những năm trước đây, nhưng về cơ bản vẫn chưa khống chế được dịch và vẫn chứa đựng các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch.

Tính đến cuối tháng 6, có hơn 149.000 trường hợp nhiễm HIV, 32.400 bệnh nhân AIDS còn sống, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có tổng số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất.

Hình thái lây nhiễm HIV vẫn đang trong giai đoạn dịch tập trung. Tỷ lệ nhiễm rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy, cao trong nhóm gái mại dâm và thấp ở các nhóm khác.

Thông tin trên được đưa ra tại  Hội thảo "Nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ các cơ quan trung ương với đại dịch HIV/AIDS" do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PERFAR) và Đại sứ quán Mỹ tổ chức ngày 27/11.

Qua tổng quan tài liệu những công trình đã nghiên cứu cho thấy, nhận biết về đại dịch này của thanh niên cả nước khá cao nhưng vẫn còn hời hợt, bề ngoài. Còn tỷ lệ khá lớn thanh niên dân tộc thiểu số và người chưa từng đi học nhầm lẫn những người nhiễm HIV nhìn bề ngoài ốm yếu, bệnh tật.

Điều này cho thấy có thể có sự liên quan trong công tác truyền thông, các thông điệp bằng hình ảnh đã truyền đạt các thông tin sai lệch và mơ hồ về HIV.

Nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề cần quan tâm trong phòng chống HIV/AIDS hiện nay không chỉ là phòng chống bệnh mà còn là đối xử với người nhiễm bệnh, tức chống sự kì thị với người nhiễm bệnh.

Ở nhiều địa phương, những người nhiễm HIV còn được chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, có công việc phù hợp. Quan điểm coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội đã thay đổi, nó được coi như một căn bệnh và người nhiễm bệnh cũng có quyền sống, làm việc và được điều trị bệnh như những người mắc các căn bệnh khác.

Xu hướng tích cực trong truyền thông đối với đại dịch này là không truy hỏi nguyên nhân người bị nhiễm, truyền thông về nguyên nhân lây bệnh, coi AIDS là căn bệnh và nêu gương người tốt, việc tốt.

Cách truyền thông mới gỡ bỏ các họa phẩm, panô, ápphích "hù dọa", thay vào đó là những bức tranh thông điệp như hãy luôn cảnh giác với HIV/AIDS, người có HIV vẫn sống khoẻ mạnh và không gây hại cho cộng đồng nếu biết cách phòng ngừa...

Các đại biểu nhấn mạnh sự hợp tác đa ngành, các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự hỗ trợ về vất chất cũng như con người của các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức nước ngoài... góp phần đẩy mạnh, đa dạng hóa các loại hình truyền thông, dễ hiểu, dễ tiếp cận với nhiều đối tượng ở diện rộng, kể cả vùng sâu, vùng xa làm thay đổi phần nào nhận thức của người dân về đại dịch và tăng cường ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phòng, chống HIV/AIDS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục