Đại diện Thương mại Mỹ kêu gọi hiện đại hóa Đạo luật Thương mại

Đại diện Katherine Tai cho rằng Đạo luật Thương mại năm 1962 không còn phù hợp để bảo vệ các nhà sản xuất nhôm thép của Mỹ trước sự cạnh tranh từ bên ngoài và đã làm đảo lộn nền kinh tế Mỹ.
Đại diện Thương mại Mỹ kêu gọi hiện đại hóa Đạo luật Thương mại ảnh 1 Bà Tai cho rằng: "Chúng ta cần có những công cụ của năm 2021 để giải quyết những thách thức của năm 2021." (Nguồn: theguardian.com)

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 12/5 đã kêu gọi Quốc hội nước này hiện đại hóa điều luật có từ thời Chiến tranh Lạnh mà cựu Tổng thống Donald Trump đã dùng để áp thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, đồng thời cam kết sẽ giải quyết các vấn đề tồn tại lâu nay về quyền lao động ở Mexico.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, bà Tai cho rằng Mục 232 của Đạo luật Thương mại năm 1962 không còn phù hợp để bảo vệ các nhà sản xuất nhôm thép của Mỹ trước sự cạnh tranh từ bên ngoài và đã làm đảo lộn nền kinh tế Mỹ, cũng như gia tăng căng thẳng với các đối tác thương mại.

Bà cho biết vấn đề của ngành nhôm thép hiện nay phần lớn là do năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc, và cần phải có những công cụ luật thương mại mới để giải quyết những thách thức này.

[Mỹ: TQ chưa thực hiện đầy đủ cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ]

Bà cho rằng: “Chúng ta cần có những công cụ của năm 2021 để giải quyết những thách thức của năm 2021, thay vì dựa vào những công cụ của năm 1962 để đối phó với những thách thức chúng ta đang gặp phải hiện nay.”

Bà Tai không đề cập đến những thay đổi cụ thể đối với điều luật trên. Liên minh châu Âu (EU) đang dọa tăng gấp đôi thuế đối với nhiều mặt hàng của Mỹ như xe motor Harley-Davidson và rượu whiskey lên 50% từ ngày 1/6 tới nếu mâu thuẫn giữa hai bên liên quan đến thuế nhôm thép không được giải quyết.

Đại diện Thương mại Mỹ cho biết bà đang có “những cuộc thảo luận mang tính xây dựng” với EU và Anh để giải quyết tình trạng năng lực sản xuất dư thừa của ngành nhôm thép, cũng như tìm kiếm giải pháp cho mâu thuẫn kéo dài lâu nay về trợ cấp cho hai nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus.

Bà Tai khẳng định những cuộc đàm phán này sẽ mất thời gian, nhưng bà tin có thể tìm kiếm được giải pháp.

Bà Tai cho biết bà sẽ sử dụng các điều khoản mới về lao động của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada USMCA để giải quyết các vấn đề về lao động tồn tại lâu nay tại Mexico.

Đại diện Thương mại Mỹ trước đó đã yêu cầu Chính phủ Mexico xem xét những cáo buộc rằng các quyền lợi của người lao động đã bị bác bỏ tại một cuộc bỏ phiếu nghiệp đoàn của một nhà máy xe tải của hãng General Motors ở Mexico theo điều khoản “phản ứng nhanh” về thực thi luật lao động của Hiệp định USMCA.

Trong phiên điều trần này, bà Tai cũng bảo vệ quyết định của bà trong việc tham gia vào các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại (WTO) về việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục