Đại Giáo chủ Iran kêu gọi đoàn kết dân tộc

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Iran xung quanh kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ngày 16/6, lãnh tụ tinh thần của nước này, Đại Giáo chủ Ali Khamenei, đã triệu tập cuộc họp với đại diện của bốn ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Iran xung quanh kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, ngày 16/6, lãnh tụ tinh thần của nước này, Đại Giáo chủ Ali Khamenei, đã triệu tập cuộc họp với đại diện của bốn ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử.
 
Tại cuộc gặp, ông Khamenei yêu cầu các ứng cử viên không nên thực hiện những hành động có thể khiến tình hình thêm căng thẳng và phải tuyên bố chống căng thẳng và bạo động.
 
Ông Khamenei cũng kết gọi người Iran đoàn kết ủng hộ chế độ cầm quyền. Ông nhấn mạnh: "Trong cuộc bầu cử, cử tri có các quan điểm khác nhau, song họ đều tin tưởng chế độ và ủng hộ Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo".
 
Giới phân tích nhận xét việc đưa ra yêu cầu và kêu gọi trên của ông Khamenei thể hiện lập trường cứng rắn của nhà lãnh đạo tối cao ở Iran trước những đe dọa lật đổ chế độ, trong thời điểm diễn ra cuộc biểu tình rầm rộ nhất ở Tehran trong một thập kỷ qua và Iran rơi vào biến động lớn nhất kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
 
Chiều 16/6, Chính phủ Iran đã tổ chức một cuộc míttinh quy mô lớn tại Tehran lên án "những kẻ gây bạo động" và kêu gọi người dân chấp nhận kết quả bầu cử, trong đó đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử.
 
Trong khi đó, lực lượng ủng hộ ứng cử viên thất cử Hossein Mousavi cũng tập hợp trên một đoạn đường hơn 1,5km biểu tình từ 17giờ đến 20 giờ cùng ngày. Trang web của ông Mousavi cho biết ông Mousavi và những người ủng hộ đã lên kế hoạch biểu tình quy mô lớn vào chiều 17/6.
 
Theo đánh giá của giới phân tích phương Tây, mặc dù ông Mousavi với chủ trương cải cách huy động được lực lượng đông đảo ở thành thị ủng hộ, đặc biệt là đội ngũ thanh niên trẻ có tri thức, song Tổng thống Ahmadinejad - được sự ủng hộ của các cử tri nghèo, cử tri nông thôn, quân đội và các lực lượng an ninh, đặc biệt là sự hậu thuẫn của Đại Giáo chủ Ali Khamenei - vẫn duy trì vị trí rất vững vàng.
 
Thêm vào đó, phái cải cách thiếu một nhân vật nổi trội có đủ uy tín cũng như chưa xây dựng được một cơ cấu chính thức để có thể theo đuổi những mục tiêu của mình. Trên bình diện quốc tế, phái này khó nhận được sự ủng hộ của phương Tây trong hoàn cảnh hiện tại, do phương Tây có vai trò rất hạn chế tại Iran và không có công cụ hiệu quả nào để can thiệp vào nước này, ngoại trừ những động thái ngoại giao mang tính hình thức. Tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc và Nga là hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết, sẽ cản trở bất cử sáng kiến nào chống Iran./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục