Đại học Thương mại áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo ngành du lịch

Đại học Thương mại triển khai đề án đào tạo đặc thù ở ba ngành thuộc lĩnh vực du lịch, gồm Quản trị du lịch dịch vụ và lữ hành, Hệ thống thông tin quản lý và ngành quản trị khách sạn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh trống khai giảng năm học mới 2018-2019 tại Đại học Thương mại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng nay, ngày 11/9, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Ngọc Thịnh đã đến dự Lễ Khai giảng năm học 2018-2019 cùng thầy trò trường Đại học Thương Mại Hà Nội.

Năm học 2018-2019, Đại học Thương mại tuyển sinh được 4.800 sinh viên (hệ đào tạo chính quy và hệ đào tạo quốc tế), đạt 104% chỉ tiêu.

Đây cũng là năm đầu tiên Đại học Thương mại triển khai đề án đào tạo đặc thù ở ba ngành thuộc lĩnh vực du lịch, gồm Quản trị du lịch dịch vụ và lữ hành, Hệ thống thông tin quản lý và ngành quản trị khách sạn, với 150 sinh viên. 

Sự khác biệt của chương trình đào tạo này là tăng thời gian thực hành, với tỷ lệ 50% lý thuyết và 50% trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp. Nội dung đào tạo được tạo thành tổ hợp những môn học kỹ năng riêng biệt cho sinh viên. Những kiến thức trong quá trình đào tạo thể hiện trong các học phần kỹ năng là những kiến thức thực tế được chính bản thân các doanh nghiệp tham tham gia vào quá trình đào tạo.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao học bổng cho các sinh viên Đại học Thương mại. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với chương trình học này, trường đảm bảo sau khi học xong sinh viên có thể làm việc ngay tại doanh nghiệp.

Những kết quả thu được từ việc triển khai thí điểm chương trình đào tạo đặc thù này sẽ được nhà trường nhân rộng trong các chương trình đại trà để từng bước đổi mới chương trình đào tạo.

Theo lãnh đạo nhà trường, Đại học Thương Mại là một trong số ít các trường đại học đã hoàn thành kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục đại học lần hai và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.

Trường nằm trong nhóm 5 trường đại học khối kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh với số tiêu chí đạt tỷ lệ chuẩn 85,2%. Các hoạt động nghiên cứu khoa học được đổi mới theo hướng phục vụ trực tiếp cho công tác đổi mới đào tạo, biên soạn giáo trình và giải quyết những vấn đề thực tiễn, chú trọng phát triển đa dạng hóa các chương trình đào tạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục