Đại học ứng dụng: Ngành Chăn nuôi cũng cần học môn Kỹ năng giao tiếp

Sau khi khảo sát nhu cầu thị trường, Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã phải bổ sung thêm 5 môn trong đào tạo ngành Chăn nuôi, như Quản trị nhân sự, Marketing căn bản, Kỹ năng giao tiếp...
Đại học ứng dụng: Ngành Chăn nuôi cũng cần học môn Kỹ năng giao tiếp ảnh 1Trong giáo dục định hướng ứng dụng POHE, đào tạo luôn phải gắn với thực tiễn và thực hành. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

“Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về chương trình POHE là ngay từ năm thứ nhất, trong khi sinh viên các trường phải học các môn đại cương thì các thầy đã đưa cho tôi một cái bo mạch va bắt tôi phải hàn. Tôi còn nhớ cái bo mạch đầu tiên tôi hàn được rất xấu, nhưng điều đó đã thôi thúc đam mê nghề nghiệp của tôi,” Nguyễn Tiến Đạt, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên chia sẻ.

Chia sẻ của Đạt cũng là ví dụ tiêu biểu cho tinh thần của Dự án phát triển giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE). Dự án bắt đầu được triển khai từ năm 2005, được tài trợ bởi Tổ chức Hợp tác quốc tế về giáo dục đại học của Hà Lan, với sự tham gia của 8 trường đại học trên cả nước.

Các trường gồm Đại học Nông lâm Huế, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Vinh.

Sau 10 năm triển khai, đã có 50 chương trình được đào tạo theo định hướng POHE, thu hút sự tham gia của gần 16.000 sinh viên và sự hợp tác của 556 doanh nghiệp. Dự án cũng đã thành lập được 5 trung tâm bồi dưỡng giáo viên theo định hướng ứng dụng. Đây là những con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết dự án vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, 23/6.

Bước ra khỏi tháp ngà

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn nằm trong tháp ngà kinh viện, lý thuyết và sách vở, thiếu tính thực tiễn thì dự án POHE chính là một luồng khí mới thúc đẩy các trường bước ra khỏi tháp ngà đó. 

Gắn đào tạo với thực tiễn, với yêu cầu của nhà tuyển dụng, phối hợp đào tạo và doanh nghiệp để có chương trình phù hợp và thiết thực là mục tiêu hướng đến của dự án POHE.

Đại học Nông lâm Huế tham gia dự án với ngành Khoa học cây trồng. Để chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, trường đã phải tổ chức điều tra nhu cầu thị trường lao động, từ loại hình cơ quan sinh viên tốt nghiệp sẽ làm, yêu cầu của đơn vị sử dụng đối với lao động, để xác định yêu cầu về sản phẩm nhân lực đầu ra. Từ kết quả khảo sát, trường phải cải tiến từ khung chương trình đến phương pháp giảng dạy, thậm chí phải liên tục đổi mới không ngừng. 

Tại Đại học Nông lâm Thái nguyên cũng tổ chức điều tra khảo sát thế giới nghề nghiệp cho 5 ngành gồm Chăn nuôi thú y, Khuyến nông, Lâm nghiệp, Khoa học môi trường và Quản lý đất đai. Sau điều tra, ngành Chăn nuôi được cắt giảm 10 tín chỉ kiến thức cơ bản và tăng 5 tín chỉ kiến thức chuyên ngành, tăng 3 tín chỉ thực tập nghề nghiệp. Ngành này cũng được bổ sung 5 môn tưởng chừng không liên quan nhưng trên thực tế điều tra cho thấy là rất cần thiết gồm Marketing, Kinh tế trang trại, Quản trị nhân sự, Chiến lược kinh doanh và cả… Kỹ năng giao tiếp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, tinh thần của dự án là coi sự chấp nhận cảu thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học.

Cũng theo ông Ga, tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp cao là những con số minh chứng rõ nhất cho sự thành công của chương trình đào tạo này. Thống kê của ban quản lý dự án cho thấy, tỷ lệ sinh viên tìm được việc sau khi tốt nghiệp dưới ba tháng ở tất cả các trường đều trên 55%, thậm chí có trường lên đến gần 83%, sau 6 tháng, con số này lên 80%-90%. 

“Những kinh nghiệm tích lũy từ dự án thậm chí cũng đã được đưa vào để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật của giáo dục đại học,” Thứ trưởng Ga nói.

Duy trì thế nào khi dự án kết thúc?

Những ưu điểm của dự án POHE là rất rõ ràng, nhưng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điều quan trọng hơn là phải duy trì và phát triển giáo dục định hướng ứng dụng ở phạm vi rộng hơn ngay cả khi dự án đã chính thức khép lại.

Tỏ ra khá lạc quan về vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Giám đốc Dự án khẳng định dự án có tính bền vững rất cao. 

“Dự án không tập trung đầu tư trang bị nguồn lực vật chất cho cấc nhà trường mà ưu tiên bồi dưỡng nguồn nhân lực vì đây là yếu tốt quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực quyết định thành công của các hoạt động,” ông Tuấn nói.

Cụ thể, theo ông Tuấn, ngoài đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của các trường đại học đã tham gia bồi dưỡng qua các đợt tập huấn, Dự án cũng đã lập được 5 trung tâm bồi dưỡng giảng viên POHE đặt tại các trường đại học ở khu vực Bắc, Trung, Nam. Các trung tâm này được trang bị cơ sở hạ tầng đầy đủ và có năng lực quản lý tốt, đủ điều kiện tổ chức các hoạt động bồi dưỡng giảng viên.

Dự án cũng đã xây dựng 40 chương trình đào tạo mới, hệ thống tài liệu hướng dẫn và sẽ tiếp tục được vận hành để hiện thực hóa chủ trương của POHE trong các trường.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho biết, Nghị định của Chính phủ về yêu cầu phân tầng giáo dục đại học, trong đó có đại học định hướng ứng dụng cũng sẽ là cơ sở thể chế bền vững để tiếp tục tinh thần của dự án POHE ngay cả khi dự án kết thúc.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch tổng thể về tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và triển khai nhân rộng kết quả của dự án POHE để thực hiện trong toàn hệ thống.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục