Đại hội Đại biểu Phụ nữ 2022: Đột phá trong các phong trào thi đua

Đoàn Chủ tịch Đại hội nhận thấy phong trào thi đua của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần mang tính phổ quát trên toàn quốc và từng địa phương cần cụ thể hóa nội dung khi tổ chức triển khai.
Đại hội Đại biểu Phụ nữ 2022: Đột phá trong các phong trào thi đua ảnh 1Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận về dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 11/3, tiếp tục chương trình Đại hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận theo đoàn. 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, chiều 9/3, các đại biểu đã thảo luận theo đoàn với 2 nội dung: Xây dựng các sáng kiến hành động vì phụ nữ và trẻ em và hoạt động cụ thể triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc XIII sau khi kết thúc Đại hội. 

Qua thảo luận, đa số các ý kiến nhất trí, thống nhất với dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung thông tin về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số cho cán bộ cấp cơ sở; bổ sung giải pháp về cơ sở vật chất.

Có ý kiến đề nghị cần có chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, Đoàn Chủ tịch Đại hội cho hay, chỉ tiêu về tỷ lệ thu hút hội viên đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư bởi hiện nay tỷ lệ thu hút hội viên trong cả nước đã đạt 75,42%.

Chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo là chỉ tiêu quan trọng, được đưa vào Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. 

Trong dự thảo văn kiện đã xác định nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy nâng cao tỷ lệ nữ tham gia quản lý lãnh đạo, tuy nhiên đây là chỉ tiêu có liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể và đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị nên không bổ sung nội dung này vào hệ thống chỉ tiêu.

Về phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phá, các ý kiến đều thống nhất nội dung cuộc vận động, khâu đột phá và các giải pháp nhưng đề nghị cụ thể hóa tiêu chuẩn bình xét làm căn cứ đánh giá các tiêu chuẩn.

Có ý kiến đề nghị khâu đột phá nên là ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội, an toàn không gian mạng.

Khâu đột phá “Tập trung xây dựng cơ sở Hội,” đề nghị bổ sung thêm "chú trọng tại vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới."

[Bà Hà Thị Nga tái đắc cử Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam]

Đoàn Chủ tịch Đại hội nhận thấy phong trào thi đua và cuộc vận động cần mang tính phổ quát trên toàn quốc và từng địa phương cần cụ thể hóa nội dung khi tổ chức triển khai.

Đồng thời, Đoàn Chủ tịch đề nghị Đại hội giao Ban Chấp hành khóa XIII cụ thể hóa các nội dung cuộc vận động, khâu đột phá trong hướng dẫn triển khai Nghị quyết Đại hội.

Về dự thảo Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), một số ý kiến đề xuất nên quy định tuổi hội viên “đủ 18 tuổi trở lên,” Đoàn Chủ tịch cho rằng quy định như vậy sẽ khó cho công tác kết nạp hội viên tại cơ sở.

Vì vậy, Ban Chấp hành xin được bảo lưu và giữ nguyên như Điều lệ hiện hành.

Đại hội Đại biểu Phụ nữ 2022: Đột phá trong các phong trào thi đua ảnh 2Quang cảnh phiên bế mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Một số ý kiến đề nghị vẫn nên quy định không phân biệt giới tính, quốc tịch trong quy định này để tiếp tục thu hút rộng rãi sự quan tâm của cả nam giới, người nước ngoài ủng hộ cho phong trào và hoạt động Hội.

Đoàn Chủ tịch Đại hội cho biết đã tiếp thu và nghiên cứu, rà soát nội dung này để hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội.

Về công tác kiểm tra, giám sát, các ý kiến thống nhất đề nghị thành lập Ủy ban kiểm tra tại cấp Trung ương và cấp tỉnh.

Một số ý kiến băn khoăn về việc thành lập Ủy ban kiểm tra tại cấp huyện và cơ sở, vì cấp huyện có ít cán bộ nên khó khăn trong việc bố trí nhiệm vụ, kể cả kiêm nhiệm; cấp cơ sở không có cơ quan chuyên trách, chỉ có Chủ tịch Hội là cán bộ chuyên trách.

Theo Đoàn Chủ tịch Đại hội, quy định về lập Ủy ban kiểm tra là cần thiết, đây là nhiệm vụ quan trọng, mục đích thành lập để nâng cao vị trí, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, nhất là khi có vụ việc khiếu kiện phức tạp, kỷ luật cán bộ Hội chủ chốt.

Việc lập và vận hành hoạt động của Ủy ban kiểm tra các cấp sẽ theo hướng kiêm nhiệm, không phát sinh biên chế và không có bộ máy chuyên trách độc lập.

Tại Đại hội, 100% đại biểu đã biểu quyết, thông qua Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục