Đại hội Đảng bộ Khối doanh nghiệp TW lần thứ nhất

Sáng 19/11, Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của 318 đại biểu.
Sáng 19/11, Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương đã khai mạc tại Hà Nội. 318 đại biểu đại diện cho gần 70.000 đảng viên trong các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương dự Đại hội.

Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động trong Đảng bộ Khối các doanh nghiệp Trung ương về những nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được trong hơn 3 năm qua.

Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2010-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đại hội XI của Đảng sắp tới sẽ thông qua nhiều văn kiện quan trọng đề ra phương hướng, đường lối và mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.

Trong các văn kiện Đảng, kinh tế nhà nước luôn được khẳng định là giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần, là công cụ quan trọng để nhà nước điều tiết hoạt động của nền kinh tế.

Chính vì vậy, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, đảng bộ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu của đất nước, có vai trò to lớn và trách nhiệm rất nặng nề.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Đảng bộ Khối phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện sáng tạo, có hiệu quả quan điểm của các Nghị quyết Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước; để doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt vai trò giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Đảng ủy khối, các cấp ủy và tổ chức đảng trong khối cần phải lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước; có giải pháp làm lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp; kiên quyết sắp xếp, cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt, ngành nghề chính.

Các cấp ủy Đảng chỉ đạo, lãnh đạo chăm lo xây dựng, thu hút đội ngũ cán bộ quản lý giỏi; tăng cường hiệu quả, hiệu lực kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các sai phạm, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối; phân định rõ quyền sở hữu nhà nước và quyền kinh doanh của doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp; lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chủ động, đi đầu thực hiện các chương trình an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ các huyện nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, Đảng ủy khối cần kịp thời đề xuất, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu vốn nhà nước cho phù hợp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển; với những nội dung thuộc về chủ trương, quan điểm lớn cần báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, chỉ đạo.

Đề cập về công tác xây dựng đảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ Đảng ủy khối, các cấp ủy đảng và tổ chức đảng trong khối cần tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, nắm bắt và giải quyết kịp thời các vấn đề tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và trước những biến động bất thường của kinh tế thế giới.

Các cấp ủy Đảng cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, mua bán vật tư, nguyên liệu, quản lý tài chính, chủ trương mở rộng ngành nghề, công tác cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm tra, giám sát người đứng đầu doanh nghiệp và cấp ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các chi bộ, cấp ủy các cấp nâng cao chất lượng sinh hoạt, tính tự phê bình và phê bình, tính đấu tranh trong sinh hoạt; tăng cường công tác quản lý đảng viên về tư tưởng, đạo đức, lối sống và thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Toàn Đảng bộ kiên quyết khắc phục tình trạng thiếu đoàn kết, thống nhất trong nội bộ lãnh đạo một số doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển đảng, chú ý đảm bảo chất lượng, kết nạp đảng viên trong thanh niên, cán bộ khoa học, người lao động trực tiếp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng Ban Chấp hành, các đại biểu Đại hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn, bầu được Ban Chấp hành Đảng bộ có đủ năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết được Đại hội Đảng bộ Khối và bầu đoàn đại biểu tham dự Đại hội XI của Đảng.

Bên cạnh những thành tích mà Đảng bộ đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ Đại hội cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong khối.

Đó là trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn chưa cao và chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, sự quan tâm của Đảng và sự đầu tư của Nhà nước.

Nhìn chung, năng suất lao động của khối doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa có nhiều thương hiệu mang tầm khu vực và quốc tế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế; chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, liên kết các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Một số doanh nghiệp còn thua lỗ, trình độ công nghệ còn thấp kém, nhiều doanh nghiệp đầu tư dàn trải, đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính; buông lỏng quản lý vốn, tài sản, gây lãng phí, thất thoát lớn, gây dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tiến độ cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp còn chậm; tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý diễn ra ở không ít doanh nghiệp.

Trong công tác xây dựng đảng, chất lượng công tác tư tưởng, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng còn hạn chế; việc thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở nhiều doanh nghiệp chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, rộng khắp. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình nhìn chung còn thấp, tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu chưa cao.

Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng không phát hiện ngăn chặn kịp thời những sai phạm, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước của lãnh đạo doanh nghiệp. Đảng ủy Khối chưa có nhiều đề xuất, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong tổ chức, hoạt động của tổ chức đảng, cấp ủy đảng trong doanh nghiệp; chưa có nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ những cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, quản lý của chủ sở hữu vốn nhà nước …

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đại hội thảo luận, phân tích kỹ về những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội nêu rõ: Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương được thành lập theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X), tháng 4/2007, hình thành trên cơ sở các đảng bộ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các doanh nghiệp lớn của Nhà nước.

Đảng bộ khối là một mô hình tổ chức đảng mới, có nhiều điểm đặc thù, như không có chính quyền và tổ chức công đoàn cùng cấp, không quyết định nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ của các doanh nghiệp, có nhiều loại hình tổ chức đảng trực thuộc do mô hình tổ chức đảng trong các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất; đảng viên đông, hoạt động rộng khắp địa bàn cả nước và cả ở nước ngoài...

Những năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khối gặp rất nhiều khó khăn, nhất là do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.

Đảng bộ khối đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo chỉ đạo góp phần để các doanh nghiệp trong khối là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước vượt qua khó khăn thách thức, đạt được những kết quả quan trọng.

Hầu hết các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tăng nhanh năng lực sản xuất, cung ứng một khối lượng lớn sản phẩm hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế và đời sống nhân dân; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp thiết thực vào tăng trưởng của nền kinh tế, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động; góp phần thực hiện tốt việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng...

Nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.

Đại hội làm việc đến ngày 20/11./.

Hương Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục