Đại hội Đảng cấp cơ sở, dân chủ trong mỗi lá phiếu

Theo đánh giá của ông Hồ Mẫu Ngoạt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đại hội đảng cấp cơ sở ở tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đánh giá của ông Hồ Mẫu Ngoạt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đại hội đảng cấp cơ sở ở tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Dân chủ được phát huy

Tính tới thời điểm đầu tháng Sáu, Đại hội đảng cấp cơ sở ở tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công được ở 1.700 điểm chiếm khoảng 90% cở sở trên toàn tỉnh.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa gồm 35 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 27 đảng bộ huyện, thị, thành phố và 8 đảng bộ (cơ quan, trường học, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang). Trong đó có 3 huyện và 1 thành phố  được chọn bầu điểm và thí điểm cấp ủy.

Ông Ngoạt cũng cho biết số Đảng bộ xã, phường tổ chức đại hội điểm và thí điểm bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư và phó bí thư đạt gần 100 (trong đó có 57 đơn vị thực hiện thí điểm bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư và phó bí thư) kết quả đạt được là rất tốt. Người trúng cử đã phát huy được khả năng lãnh đạo, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương tiếp tục phát triển, rất ít xảy ra kiện cáo và những vấn đề nổi cộm.

Theo ông Lê Trí Long, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thanh Hóa, việc tổ chức đại hội đảng bộ tại các cơ sở đều diễn ra tập trung, tuân thủ các quy chế bầu cử trong Đảng và quy chế làm việc của đại hội, bảo đảm yêu cầu theo Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị, Thông tri 14 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng các cấp, tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

“Mặc dù việc bầu trực tiếp sẽ dẫn đến số phiếu bầu đạt không cao, nhưng người trúng cử được đánh giá là người có năng lực qua đó cũng hạn chế được tình trạng bè cánh, bằng mặt mà không bằng lòng và dân chủ được phát huy một cách tối đa,” ông Long đưa ra ý kiến.

Ông Long cho biết, Thành phố Thanh Hóa là một trong những đảng bộ được chọn làm đơn vị tổ chức đại hội điểm và thí điểm bầu trực tiếp ban thường vụ, bầu bí thư và phó bí thư cấp ủy. Với hơn 14.000 đảng viên và 132 tổ chức đảng trực thuộc, tính đến ngày 31/5/2010, thành phố đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2010-2015, từ đó bước rút kinh nghiệm tiến tới đại hội đảng bộ thành phố Thanh Hóa vào cuối tháng 6/2010.

Khi được hỏi ý kiến về nhất thể hóa lãnh đạo cấp cơ sở ( Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường) ông Lê Thanh Vân, phường Ngọc Trạo, tỏ ra đồng tình với chủ trương này. Theo ông Vân, nếu thí điểm thành công có thể nhân rộng ra nhiều nơi khác nữa.

Đặc điểm của phường Ngọc Trạo là một phường trung tâm trong Thành phố nên hàng ngày giải quyết rất nhiều việc hành chính. Nhưng lâu nay thì người dân bình thường chỉ làm việc với cán bộ bên ủy ban. Nếu nhất thể hóa, ông Vân cho rằng sẽ tăng cường được sự lãnh đạo của Đảng nhiều hơn.

“Quan trọng là khi đó Đảng sẽ gần dân, thấu hiểu nhân dân được tốt hơn nữa,” ông Vân chia sẻ.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình thì tại một vài nơi một số ít người dân vẫn  còn tỏ ra băn khoăn  về việc nhất thể hóa lãnh đạo cấp cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ hưu trí của phường Đông Vệ băn khoăn: “Có thể khi nhất thể hóa mọi việc sẽ được giải quyết nhanh hơn. Tuy nhiên, khi đó cũng đặt ra tình huống ông chủ tịch phường sẽ làm hết thảy mọi việc và việc tập trung dân chủ trong công tác chỉ đạo sẽ khó khăn hơn.”

Theo ông Hồ Mẫu Ngoạt, để nhân dân tin tưởng hơn góp sức chung  cùng với sự nghiệp xây dựng đất nước thì đòi hỏi cấp thiết lúc này là nâng cao năng lực của lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, tìm người đủ đức, đủ tài để trở thành người lãnh đạo mẫu mực, đủ tâm và đủ tầm để đưa những chủ trương đúng đắn của Đảng đi vào cuộc sống.

“Sự thành công bắt nguồn từ việc các đơn vị được chọn làm thí điểm đại hội đều là các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nội bộ đoàn kết, phát triển đi lên. Công tác lãnh đạo đại hội được tập trung, sâu sát và vấn đề nhân sự được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, chu toàn,” ông Ngoạt nói.

Quy hoạch cán bộ là yếu tố quyết định

Đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở của thành phố Thanh Hóa hiện nay phần lớn được đào tạo tại các trường đại học, trưởng thành trong môi trường sản xuất-kinh doanh, lực lượng vũ trang… có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt.

Phần lớn cán bộ được đề bạt và bổ nhiệm đều phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, để có sự thành công trong công tác nhân sự dẫn đến thành công cho đại hội thí điểm theo chủ trương mới nhằm phát huy dân chủ, thì công tác quy hoạch cán bộ phải được đặt lên hàng đầu và có tính dài hơi hơn.

Theo báo cáo của Ban thường vụ Thành ủy thành phố Thanh Hóa, hiện đội ngũ cán bộ  của thành phố còn nhiều bất cập như thiếu cán bộ giỏi, một bộ phận cán bộ chưa đạt chuẩn về trình độ (thành phố còn 9%, cấp phường xã còn tới 33%), khả năng thực thi nhiệm vụ còn yếu, việc bố trí cán bộ còn chắp vá, bị động, đặc biệt công tác quy hoạch cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của thành phố.

Ông Lê Trí Long chỉ ra rằng yêu cầu các chức danh chủ chốt cấp phường xã đến năm 2010 phải có bằng đại học và việc đi học phải được công khai, đã dẫn đến tình trạng ở nhiều nơi, cán bộ trẻ đua nhau đi học, thậm chí có nơi sáu, bảy cán bộ chủ chốt đi học một lúc nên không có người đứng ra lo giải quyết công việc ở địa phương.

Thậm chí, việc đi học cũng mang tính hình thức, đối phó, vì chỉ số ít người được cử đi học theo đúng chương trình và chuyên môn đảm nhận, còn lại thì học từ xa, tại chức…dẫn đến chất lượng đào tạo không cao.

Vấn đề nhân sự trước đại hội không chỉ là vấn đề nội bộ của Đảng mà còn được người dân rất quan tâm, nhất là những địa bàn phức tạp về trật tự xã hội và kinh tế khó khăn, họ mong mỏi lãnh đạo cấp trên trực tiếp xuống cơ sở để lắng nghe những tâm tư và nguyện vọng của người dân ở cơ sở để đóng góp cho công tác nhân sự.

Do vậy trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội “không nên quá nghiêng về cơ cấu mà phải tập trung vào mức độ tín nhiệm.”

Nâng cao vai trò của khối doanh nghiệp

Là một trong những doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, với 62 đảng viên trên tổng số 380 lao động và doanh thu bình quân hàng năm trên 100 tỷ đồng, Đảng bộ Công ty xăng dầu Thanh Hóa luôn quán triệt mục tiêu phát triển kinh doanh gắn với phát huy quyền làm chủ của người lao động.

Thành công này không chỉ có được bởi các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà còn từ kết quả của việc thực hiện nhất thể hóa chức danh lãnh đạo Đảng và chính quyền, bảo đảm sự thống nhất, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng đơn vị, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Nguyễn Văn Chiến chia sẻ, mô hình Bí thư Đảng bộ kiêm Giám đốc công ty đã gắn quyền hạn với trách nhiệm, hiệu quả hoạt động đảm bảo sự thống nhất cao.

Phát huy dân chủ và sự quyết đoán trong điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, Petrolimex Thanh Hóa đã quy tụ được đội ngũ cán bộ, hình thành cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả kinh tế cao, đồng tâm hiệp sức đưa công ty trở thành đơn một những đơn vị mạnh của ngành xăng dầu cả nước.

Ông Nguyễn Văn Chiến cũng nêu ý kiến cho rằng việc tỉnh Thanh Hóa thiếu Đảng bộ khối doanh nghiệp khiến việc lãnh đạo của Đảng bộ cấp trên với các doanh nghiệp khó sát sao. Bởi lẽ, mảng quan tâm của lãnh đạo tỉnh vẫn chủ yếu tập trung vào khối các phường xã…

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 6.000 doanh nghiệp, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa (với quy mô từ 3-50 người).

Theo ý kiến của Phó Bí thư Tỉnh ủy Hồ Mẫu Ngoạt, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy đông, nhưng quy mô còn nhỏ và hoạt động còn manh mún nên việc thành lập Đảng bộ khối doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa cần phải có thời gian.

Ông Ngoạt cũng khẳng định “5 năm qua, thành công của công cuộc đổi mới đã mang lại cho Thanh Hóa sự phát triển về kinh tế, ổn định về an ninh - quốc phòng. Tất cả những điều đó đang thấm sâu vào đời sống nhân dân. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, những bức xúc theo đó cũng giảm đi, khi người dân tin vào Đảng thì tính đồng thuận sẽ rất cao” ./.

Chí-Quảng-Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục