Đại lễ cầu siêu: Tri ân và lưu danh liệt sĩ Thành cổ

Lễ Tri ân và Lưu danh Liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị sẽ được tổ chức tại chính tại Thành cổ, từ 9-11/7 với sự tham gia của hơn 500 cựu chiến binh.

Tâm điểm của chương trình là lễ dâng cuốn sách “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” - một tượng đài bằng chữ để tri ân và lưu danh các Anh hùng liệt sĩ trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị -1972. Đây cũng là lần đầu tiên  công bố danh sách hơn 4000 dòng tên các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Thành cổ và từ các hướng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.


Lễ Tri ân và Lưu danh Liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị sẽ được tổ chức tại chính Thành cổ, từ ngày 9/7 đến 11/7/2011, với sự tham gia của hơn 500 cựu chiến binh nơi đây.

Đây là hoạt động kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2011 và để đáp ứng ước nguyện cháy lòng của đông đảo các gia đình thân nhân liệt sỹ và đồng đội của các chiến sỹ đã hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Chương trình do Dự án Văn hoá Uống nước nhớ nguồn thuộc Trung tâm Thông tin truyền Thông Vì môi trường phát triển, Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt phối hợp với Ban liên lạc chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - 1972 tổ chức.
 

Đại lễ cầu siêu - thả hoa đăng
 
Lễ tri ân được mở đầu bằng Đại lễ cầu siêu - thả Hoa Đăng do Thượng tọa Thích Chiếu Tạng- Phó Ban Trị sự Thành Hội Phật giáo Hà Nội và Tỉnh hội Phật Giáo Quảng Trị chủ trì. Đại lễ cầu siêu sẽ diễn ra từ 6h đến 19 giờ ngày 10/7/2011 và thả Hoa Đăng tại bến Hoa bên dòng sông Thạch Hãn diễn ra trong đêm mùng 9/7.

Thượng tọa Thích Chiếu Tạng cho biết tham gia đại lễ cầu siêu sẽ có 200 chư tôn hoà thượng, đại đức, tăng ni của tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tham gia.  

Cùng với việc xuất bản cuốn sách, để thể hiện tấm lòng tri ân với các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị, Dự án văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” sẽ tổ chức Đại lễ cầu siêu, Lễ tri ân- Lưu danh Liệt sỹ Thành cổ Quảng Trị tại Thành cổ Quảng Trị vào ngày 10/7/2011.

Chương trình sẽ có sự tham dự của hàng trăm cựu chiến binh đã chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972, 100  gia đình thân nhân của các liệt sỹ đã  hy sinh ở mảnh đất này.

Không chỉ tri ân những người đã khuất, chương trình còn và hướng đến sẻ chia với những người đang sống. Với sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, chương trình sẽ trao 200 suất quà cho gia đình thân nhân các liệt sĩ đã chiến đấu ở Thành cổ năm 1972 và trao tặng 30 suất học bổng cho con em các gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách tỉnh Quảng Trị có thành tích học tập cao; 6 căn nhà tình nghĩa cho gia đình thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

Lễ dâng sách “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị”

Tâm điểm của chương trình là Lễ tri ân và lưu danh liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị diễn ra vào lúc 20h ngày 10/7/2011. Đó chính là lễ dâng cuốn sách “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” - một tượng đài bằng chữ để tri ân và lưu danh các Anh hùng liệt sĩ trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị -1972.
 
Được hoàn thành trong 2 năm, cuốn sách “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” đưa đến cho bạn đọc một cái nhìn thấu suốt về một vùng đất đau thương mà hào hùng của 81 ngày đêm năm 1792 và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuốn sách do Nhà thơ - Nhà báo Đoàn Mạnh Phương - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc - Tổng Biên tập Trung tâm Thông tin Truyền thông Vì môi trường phát triển thành phố Hà Nội, Giám đốc Dự án Văn hóa Uống nước nhớ nguồn làm Chủ biên.

Với bốn phần: Quảng Trị, Thành cổ Quảng Trị - Địa danh và những dấu ấn lịch sử; Thành cổ Quảng Trị, Huyền thoại mùa hè đỏ lửa -1972; Tên anh đã thành tên Đất nước; Thành cổ Quảng Trị- một thời và mãi mãi, cuốn sách đã tái hiện lại trang sử hào hùng của mảnh đất Quảng Trị kiên trung, bất khuất.

Điểm đặc biệt nhất của cuốn sách là lần đầu tiên công bố danh sách hơn 4000 dòng tên các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị và từ các hướng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
 
Cựu chiến binh, đại tá Trần Ngọc Long (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 – Thạch Hãn, Sư đoàn 320B)-người trực tiếp tham gia chiến trường Thành cổ 81 ngày đêm cùng với các phóng viên, biên tập viên của hai đơn vị thực hiện đã  hành trình qua khắp mọi miền đất nước để tìm lại danh sách những người đã chiến đấu trên mặt trận Thành cổ.

Đại tá Trần Ngọc Long nói: “81 ngày đêm ở Thành cổ thực sự là một cuộc chiến tàn khốc, gian nguy mà không có lời văn nào lột tả được. Tôi là người trực tiếp nhìn đồng đội ngã xuống và trực tiếp làm công việc mai táng, có những đồng đội phải tiến hành mai táng hai, ba lần.”

“Chiến tranh đã đi qua, nhưng hình ảnh về những người đồng đội đã hy sinh vẫn sống mãi trong tôi. Vì vậy, tôi nhận lời tham gia và nỗ lực hết sức cùng Ban biên tập, đi tìm lại tên tuổi cho đồng đội mình,” Đại tá Trần Ngọc Long tâm sự.

Người đi tìm lại tên tuổi cho đồng đội còn chia sẻ về những trang trắng những dòng tên trắng trong cuốn sách là để thể hiện một tâm nguyện tiếp tục kiếm tìm. Rằng cuốn sách chưa khép lại mà cần tiếp tục bổ sung những dòng tên liệt sĩ. Chúng tôi muốn nói với các liệt sĩ: Về mặt tâm linh và tình cảm chúng tôi biết rõ còn thiếu rất nhiều tên và chúng tôi không quên các anh dù chưa biết.

Đại sách độc bản “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị”

Bên cạnh hàng ngàn ấn phẩm “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” được in để trao tặng cho thân nhân liệt sĩ, Ban liên lạc Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị và hệ thống thư viện trên cả nước… để lưu danh ngàn đời dòng tên liệt sĩ, Ban Tổ chức còn thực hiện Đại sách độc bản Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị.
 
Cuốn sách có kích thước 1m x 0,7m. Những người làm biên soạn hy vọng đây sẽ là cuốn sách xác lập kỷ lục Việt Nam: “Cuốn đại sách lớn nhất lưu danh tên tuổi liệt sĩ hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.”

9h ngày 8/7/2011, Đại sách độc bản “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” sẽ được rước từ Quảng trường Ba Đình - Hà Nội đi qua các tỉnh, thành vào đến Thành cổ Quảng Trị và đặt trang trọng tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị để lưu giữ cho muôn đời sau./.  

 Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị là tác phẩm thứ 7 trong bộ sách “Huyền thoại Việt Nam” của Dự án Văn hóa “Uống nước nhớ nguồn”, một dự án văn hóa phi lợi nhuận thuộc Trung tâm Thông tin Truyền thông vì Môi trường Phát triển thành phố Hà Nội. Các tác phẩm đã xuất bản trước đó là: Huyền thoại Điện Biên; Huyền thoại Côn Đảo, Huyền Thoại Trường Sơn; Huyền thoại Thanh niên Xung phong; Huyền thoại U Minh, Huyền thoại Phú Quốc.
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục