Đại lễ hội thơ ca kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

Ngày thơ Việt Nam xuân Canh Dần năm nay sẽ là một “đại lễ hội thơ ca” với ba điểm nhấn của được tổ chức tại TP.HCM, Huế và Hà Nội.
Được tổ chức lần đầu tiên vào ngày Tết Nguyên tiêu Xuân Quý Mùi 2003, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một hoạt động thường niên, bổ sung cần thiết vào kho tàng lễ hội dân gian Việt Nam. Để rồi, mỗi độ Tết đến xuân sang, những người yêu thơ lại tìm về Văn Miếu, hòa mình trong không gian ngập tràn tiếng thơ.

Hoạt động này là một nét sáng tạo, đáp ứng được lòng yêu thơ của dân tộc ta, đồng thời, tiếp nối và nâng cao những hình thức sinh hoạt thơ ca vốn có trong dân gian.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Ngày thơ Việt Nam xuân Canh Dần năm nay sẽ là một “đại lễ hội thơ ca”, diễn ra trên mọi miền đất nước. Trong đó, ba điểm nhấn của lễ hội được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội."

Đây là dịp để làng thơ Việt Nam hòa chung không khí của cả nước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 65 năm thành lập nước và 35 năm đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước.

Thủ đô Hà Nội vẫn là trung tâm của "Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8" với nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trong suốt ba ngày, từ 13-15 tháng Giêng âm lịch.

Ngày đầu tiên (13 tháng Giêng) là ngày tôn vinh thơ dịch, có sự tham gia của một số dịch giả nước ngoài, được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Nga, Hà Nội.

Ngày 14 tháng Giêng, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho các nhà thơ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và các nhà thơ, nhà văn mới mất. Tối cùng ngày, tại Cung Văn hóa Hữu nghị diễn ra cuộc thi thơ và trình diễn thơ của sinh viên bốn trường đại học: Đại học Văn hóa, Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm và Đại học Thái Nguyên.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhằm nuôi dưỡng những tài năng thơ ca trẻ. Những phần trình diễn xuất sắc trong cuộc thi sẽ được lựa chọn để tham gia trình diễn tại sân thơ trẻ vào ngày chính hội.

Lễ khai mạc “Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8” sẽ được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, như thông lệ hàng năm. Đặc biệt, năm nay sẽ có màn rước lửa thiêng từ Đền Thượng ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng về Hà Nội, với các điểm dừng chân tại Việt Trì, chân cầu Thăng Long và trung tâm lễ hội là Văn Miếu. Cùng với màn rước lửa thiêng sẽ là màn rước Chiếu dời đô, như truyền thống.

Năm nay, để công chúng thật sự được sống trong không gian của thơ ca, Ban tổ chức chú trọng để tiếng thơ vang lên, không để nhạc át mất thơ. Các tác phẩm xuyên suốt từ thơ cổ, thơ thời đại Hồ Chí Minh, thơ của các vùng miền, thơ phổ nhạc... sẽ được thể hiện qua các phần đọc thơ, ngâm thơ và trình diễn thơ.

Nét khác biệt rõ nhất với những năm trước là hình thức trang trí sân thơ có đổi mới, thể hiện sự hội tụ tinh hoa thơ ca của cả nước bằng “rừng thơ” với cây trăm miền ở hai bên lối vào Văn Miếu. Mỗi cây là một bài thơ đại diện cho một tỉnh, thành phố của đất nước.

Đi qua cây trăm miền sẽ là cuộc triển lãm thơ trên gốm sứ Bát Tràng. Những vần thơ hay đã được lựa chọn để các nghệ nhân Bát Tràng khắc trên gốm sứ, tạo thành những tác phẩm nghệ thuật đậm chất thơ.

Bên cạnh những hoạt động tại Hà Nội, ở Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên hoạt động tôn vinh thơ ca sẽ được tổ chức ở Nhà hát thành phố nhằm thu hút đông đảo những người yêu thơ và công chúng, với chủ đề “Trời nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Đêm thơ trên sông Hương tại Huế sẽ có chủ đề “Từ cố đô nhớ về cố đô”, với các hoạt động trình diễn thơ, ngâm thơ, hát nhạc phổ thơ, thư pháp... Ngoài ra, hầu khắp các tỉnh trong cả nước đều tổ chức các sự kiện hưởng ứng đại lễ hội thơ ca như "Thơ với trời biển quê hương” tại Quảng Ngãi, đêm thơ của 6 tỉnh khu vực Việt Bắc tổ chức tại Thái Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục