Đại lễ thành công góp phần nâng cao uy tín Thủ đô

Đại lễ 1.000 năm được tổ chức thành công đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội được tổ chức thành công, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội diễn ra ngày 9/11 tại Bảo tàng Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã thành công tốt đẹp.

Lãnh đạo thành phố cũng cho biết các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã được cân nhắc, điều chỉnh giảm bớt một số hoạt động ở từng thời điểm cụ thể, tránh gây lãng phí, nhận được sự đồng tình của dư luận nhân dân.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc, khách quan về một số mặt hoạt động; đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành phát huy hiệu quả các công trình dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Thành phố cũng tiếp tục công tác tuyên truyền giáo dục và quảng bá; đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; duy trì phong trào vệ sinh môi trường, để Thủ đô luôn sáng và sạch đẹp.

Những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long-Hà Nội qua 1.000 năm lịch sử Văn hiến-Anh hùng-Hòa bình-Hữu nghị được tôn vinh mang tầm quốc gia và quốc tế, với việc UNESCO ra Nghị quyết về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, công nhận 82 Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới, Tổng Giám đốc UNESCO sang dự Lễ khai mạc Đại lễ và trao Bằng công nhận Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới.

102 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp Đại lễ đều là các công trình văn hóa, xã hội, công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn, có ý nghĩa kinh tế xã hội cao, góp phần tăng tính hiện đại, khang trang nhưng vẫn mang chiều sâu văn hóa, lịch sử, như Đại lộ Thăng Long lớn nhất cả nước, Tượng đài Bác Hồ-Bác Tôn, cầu Vĩnh Tuy, Bảo tàng Hà Nội...

Trong thời gian diễn ra Đại lễ, các tỉnh miền Trung bị lụt bão, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, thành phố đã điều chỉnh một số nội dung chương trình lễ hội và tổ chức đoàn thăm hỏi, ủng hộ đồng bào miền Trung với số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã trao cờ thi đua xuất sắc cho 52 đơn vị và bằng khen cho 23 tập thể và 19 cá nhân có thành tích tham gia các hoạt động kỷ niệm./.

Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục