Đãi ngộ nhân tài đối với viên chức cần cụ thể hơn

Các đại biểu cho rằng dự thảo Luật Viên chức cần quy định cụ thể chế độ đãi ngộ nhân tài xứng đáng với tài năng của viên chức.
Sáng 26/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật viên chức.

Cơ bản đồng tình với phần lớn nội dung quy định trong dự thảo Luật, song các đại biểu cũng cho rằng dự thảo còn nhiều điểm chung chung, nhiều chi tiết chưa hợp lý, từ phạm vi điều chỉnh đến thời gian làm việc đối với viên chức, tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức...

Bên cạnh đó, Điều 21, 22 dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài sao cho xứng đáng với tài năng của viên chức, tránh chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Minh Thuyết cùng chung nhìn nhận Điều 37 quy định về biệt phái viên chức còn chung chung, chưa thể hiện sau khi đi biệt phái sẽ được hưởng quyền lợi như thế nào bởi khi đi biệt phái, vị trí làm cũ đã có người thay thế. Đại biểu Thuyết đề xuất: phải có quy định bảo vệ quyền lợi cho người được biệt phái không thấp hơn vị trí việc làm cũ, nếu không sẽ không ai muốn đi biệt phái.

Các đại biểu cũng đóng góp cho các quy định về kéo dài thời gian làm việc với các nhà nghiên cứu khoa học có học hàm, học vị cao, với nữ giới; cân nhắc quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc (Điều 29) sao cho đảm bảo tính công bằng giữa viên chức và công chức, phù hợp với tính chất nhân đạo của Nhà nước nhưng cũng tránh được việc lạm dụng không làm việc vẫn hưởng lương từ ngân sách.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận luật còn nhiều điểm không ổn, chưa cụ thể, còn nhiều điều giao cho Chính phủ, khái niệm viên chức chưa rõ ràng, nhiều điều Luật cần quy định cụ thể hơn để đưa vào cuộc sống cho phù hợp.

Đại biểu Trần Du Lịch cùng một số đại biểu cho rằng theo dự thảo Luật, chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, mà không điều chỉnh đối với những người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thì không nên “ôm” cả cụm từ viên chức trong một Luật này, để tránh trường hợp sau này tách Luật, lại chỉnh sửa cả hai Luật.

Đồng quan điểm này, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) khẳng định với phạm vi điều chỉnh như vậy, cách lập luận là chưa thuyết phục, giữa hai nhóm đối tượng đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập - như phân tích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - là cùng thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực giống nhau, nhưng lại có sự khác biệt về phương diện quản lý thì phải hiểu và làm rõ khái niệm “phương diện quản lý” là gì?

Các đại biểu Trần Du Lịch, Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Đặng Như Lợi đề nghị đổi tên thành Luật viên chức công hoặc Luật viên chức sự nghiệp công lập.

Liên quan đến quy định về đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh Luật phải dành một chương riêng quy định về đơn vị sự nghiệp công là gì, địa vị pháp lý ra sao. Đơn vị sự nghiệp công chưa có đạo luật nào chế định định chế này nên Luật phải dành một chương quy định về đơn vị sự nghiệp công và chế định bản chất pháp lý, địa vị của nó trong hệ thống như thế nào.

Theo đại biểu, Điều 10 quy định 4 khoản về chính sách xây dựng và phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức là chưa được kỹ càng. Điều 9 của dự thảo Luật cần làm rõ tính chất tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên tính chất công vụ, dịch vụ của nhà nước cung cấp hay dựa trên sự phân biệt về thu nhập?

“Không có khái niệm tự chủ hoàn toàn về kinh phí và thực hiện nhiệm vụ bởi vẫn có sự đầu tư và quản lý của Nhà nước, do vậy chỉ có thể tự chủ ở nguồn thu và kinh phí hoạt động thường xuyên” - đây là ý kiến của đại biểu Ngô Minh Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh). Còn đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng cần định nghĩa rõ ràng khái niệm tự chủ để thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, quy mô và tầm quan trọng của các đơn vị sự nghiệp công khác nhau, cần phân loại về quy mô để đảm bảo ứng xử trong xã hội về vấn đề tự chủ.

Có ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật là viên chức chứ không phải đơn vị quản lý viên chức, điều chỉnh người làm việc chứ không phải là điều chỉnh cơ quan làm việc nên phải làm rõ khái niệm viên chức và quy định chương riêng về đơn vị sự nghiệp. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết mạnh dạn đề xuất bỏ Điều 9 và 10 bởi hai điều này lạc với quy định, trái với Điều 1, không đúng chủ đề đã bàn nên mới xảy ra chuyện tranh luận về các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trên đây.

Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu quan tâm là việc thực hiện nguyên tắc kết hợp giữa chức danh nghề nghiệp với vị trí việc làm, chuyển từ cơ chế trả lương theo ngạch, bậc sang trả lương căn cứ vào vị trí việc làm. Các đại biểu cho rằng việc thay đổi cách trả lương theo vị trí việc làm có ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ viên chức, cần cân nhắc kỹ, bởi trả lương theo việc làm sẽ gây rỗng rất lớn trong đội ngũ viên chức./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục