Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc: Israel là "một người bạn lớn nhất"

Với cam kết mạnh mẽ ủng hộ và bảo vệ Israel tại Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ Nikki Haley, đã nhận được sự chào đón của một nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel tại Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc: Israel là "một người bạn lớn nhất" ảnh 1Bà Nikki Haley. (Nguồn: The Huffington Post)

Với cam kết mạnh mẽ ủng hộ và bảo vệ Israel tại Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này, bà Nikki Haley, đã nhận được sự chào đón của một nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel tại Mỹ.

Phát biểu ngày 27/3 tại đại hội thường niên của Ủy ban Các vấn đề chung Israel-Mỹ (AIPAC), Đại sứ Haley đã đề cập đến Nghị quyết 2334 được Liên hợp quốc thông qua hồi cuối năm ngoái sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng, theo đó yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng Palestine.

Bà mô tả nghị quyết trên như một đòn giáng mạnh đối với toàn thể người dân Mỹ, đồng thời cảnh báo các thành viên Liên hợp quốc khác rằng Washington sẽ đáp trả mọi nỗ lực nhằm cô lập Israel.

Bà nhấn mạnh đối với Mỹ, Israel là "một người bạn lớn nhất" và khẳng định sẽ không bao giờ tái diễn điều tương tự như tại cuộc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 2334 của Liên hợp quốc trước đó.

Nghị quyết nói trên, được 4 nước là New Zealand, Malaysia, Senegal và Venezuela đề xuất, đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 23/12/2016 sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng. Đây là nghị quyết đầu tiên về Israel và Palestine mà Hội đồng Bảo an thông qua trong gần 8 năm qua. Quyết định bỏ phiếu trắng được coi là trái với thông lệ của Mỹ lần này đã giúp cho nghị quyết được thông qua.

Trước cuộc bỏ phiếu, chính ông Donald Trump, người vừa mới đắc cử Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó, đã kêu gọi Chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama lúc bấy giờ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản việc thông qua nghị quyết này.

Hiện Chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách tìm kiếm thỏa thuận với Israel nhằm hạn chế việc xây dựng các khu định cư trên vùng đất người Palestine dự định lập quốc. Đây là một phần trong cam kết của Mỹ nhằm nối lại các vòng đàm phán hòa bình vốn bị đình trệ kéo dài.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hồi tháng trước, Tổng thống Trump đã yêu cầu Israel "hạn chế việc xây dựng các khu định cư." Ông Trump cũng cam kết với lãnh đạo Nhà nước Do Thái sẽ có một thỏa thuận tuyệt với, nhưng cả 2 bên sẽ phải thỏa hiệp.

Trong động thái liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông, trước đó cùng ngày, Thủ tướng Israel Netanyahu đã cam kết hợp tác với Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy các nỗ lực hòa bình với người Palestine nói riêng và thế giới Arab nói chung.

Phát biểu cũng tại đại hội của AIPAC qua đường truyền vệ tinh từ Jerusalem, ông Netanyahu tuyên bố: "Israel cam kết cộng tác với Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy hòa bình với người Palestine và với tất cả các nước láng giềng."

Tuy nhiên, ông nhắc lại yêu cầu Palestine phải công nhận Israel là Nhà nước Do Thái, điều mà Palestine vẫn từ chối.

Dư luận tại Mỹ và Trung Đông vẫn còn hoài nghi về khả năng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông, vốn bị đình trệ từ năm 2014.

Sau khi đắc cử Tổng thống, ông Trump bày tỏ quan điểm trái ngược về giải pháp hai nhà nước - chính sách chủ đạo của Mỹ trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, mới đây ông đã mời Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tới thăm Nhà Trắng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục