Đại sứ Nga muốn gặp Ngoại trưởng Anh để thảo luận vụ điệp viên Skripal

Đại sứ quán Nga tại Anh đã đề nghị tiến hành một cuộc gặp giữa Đại sứ Nga tại Anh và Ngoại trưởng Anh để thảo luận về việc điều tra vụ cựu điệp viên hai mang của Nga cùng con gái bị đầu độc tại Anh.
Đại sứ Nga muốn gặp Ngoại trưởng Anh để thảo luận vụ điệp viên Skripal ảnh 1Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại sứ quán Nga tại Anh đã đề nghị tiến hành một cuộc gặp giữa Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson để thảo luận về việc điều tra vụ cựu điệp viên hai mang của Nga cùng con gái bị đầu độc tại Anh.

Ngày 7/4, hãng tin Nga RIA dẫn lời người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Anh cho biết Moskva hy vọng về một phản ứng mang tính xây dựng của Anh và mong muốn cuộc gặp diễn ra trong thời gian sớm nhất có thể. Bộ Ngoại giao Anh xác nhận đã nhận được đề nghị của phía Nga.

Trước đó, ngày 4/3 vừa qua, cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh tại thành phố Salisbury của Anh.

[Họ hàng của cựu điệp viên Nga bị từ chối cấp thị thực vào Anh]

Anh cáo buộc Nga “nhiều khả năng” thực hiện vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal, đồng thời khẳng định chất độc sử dụng trong vụ việc là loại chất độc thần kinh “Novichok,” vốn được sản xuất từ thời Liên Xô.

Đáng lưu ý là cho tới nay phía Anh không hề đưa ra bất kỳ bằng chứng nào, thậm chí các chuyên gia tại phòng thí nghiệm tại Porton Down của Bộ Quốc phòng Anh không thể xác định được nguồn gốc xuất xứ của loại chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ này được sản xuất tại Nga.

Nga luôn bác bỏ các cáo buộc này và nhấn mạnh nước này không dự trữ “Novichok” hay bất kỳ vũ khí hóa học nào. Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nêu rõ vụ việc này "một chiến dịch tuyên truyền lớn đang được tiến hành để chống lại Nga hòng làm mất uy tín và thậm chí làm mất tính hợp pháp của nước Nga."

Theo ông, việc cáo buộc Nga sử dụng "một loại vũ khí đáng sợ," che giấu các kho vũ khí, vi phạm Công ước cấm vũ khí hóa học, nghi ngờ vai trò của Nga trong việc giải quyết vấn đề Syria... đều nằm trong chiến dịch này.

Đến nay, hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất. Chính phủ Nga đã đáp trả bằng việc trục xuất số nhân viên ngoại giao tương đương của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Giới phân tích nhận định cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và phương Tây đang ở lằn ranh nguy hiểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục