Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp - điểm sáng trong ngoại giao nhân dân

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng Phong cho biết trào nhân dân Pháp ủng hộ Việt Nam từ nhiều năm nay đã có sự chuyển mạnh sang các hoạt động hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp - điểm sáng trong ngoại giao nhân dân ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và Thị trưởng La Plagne Tarentaise cắt băng khai trương Festival Việt Nam 2021. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Nhân dịp Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đang diễn ra tại Hà Nội, phóng viên TTXVN đã có buổi phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng về những thành tựu trong công tác ngoại giao nhân dân tại địa bàn.

- Ngoại giao nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Việt Nam đã đề ra trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó Pháp là một trong những địa bàn trọng điểm. Xin Đại sứ đánh giá về hiệu quả công tác ngoại giao nhân dân tại địa bàn?

Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Địa bàn Pháp có thể được xem là điểm khởi nguồn của ngoại giao nhân dân thời đại Hồ Chí Minh. Nhờ phát huy sức mạnh ngoại giao nhân dân trong những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, sau đó là nỗ lực để nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp hiểu sâu sắc về khát vọng độc lập, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của người dân Việt Nam.

Chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công, từ Hiệp định Geneve năm 1954 đến Hiệp định Paris năm 1973. Cùng với các chủ trương của Đảng và Nhà nước về ngoại giao, đối ngoại nhân dân luôn có giá trị như một kim chỉ nam cho các hoạt động của Đại sứ quán.

[Họa sỹ Pháp gây chú ý với tranh đồ họa về chất độc da cam ở Việt Nam]

Sự gắn bó, tình hữu nghị, mối thiện cảm giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp được vun đắp, củng cố qua các hoạt động của ngoại giao-đối ngoại nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như qua nhiều giai đoạn nối tiếp của quan hệ Việt Nam-Pháp là nền tảng vô cùng thuận lợi cho công tác ngoại giao-đối ngoại nhân dân tại địa bàn, và luôn được Đại sứ quán chú ý gìn giữ, phát triển.

Phong trào hội đoàn người Pháp đoàn kết và hữu nghị với nhân dân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm tháng chúng ta đấu tranh giành độc dân tộc và kiến thiết đất nước.

Đến nay, phong trào này tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ và nhân rộng với số lượng đông đảo, khoảng 60 hội đoàn.

Phong trào cộng đồng người Việt Nam yêu nước tại Pháp cũng chính do Bác Hồ gây dựng nên cách đây hơn 100 năm cũng được Đại sứ quán chú trọng, tăng cường hỗ trợ để tổ chức và triển khai các hoạt động hướng về quê hương, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, đồng thời tăng cường kết nối các hoạt động đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân Pháp.

Có thể nói tại Pháp, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống bạn bè rộng rãi, tạo được những nhân tố gắn kết với Việt Nam, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân Pháp.

Chúng ta tự hào có những người bạn Cộng sản Pháp trung kiên luôn một lòng ủng hộ Việt Nam. Chúng ta cũng vui mừng có những người bạn yêu Việt Nam, cảm phục Việt Nam, muốn làm cái gì đó cho Việt Nam ở Quốc hội, Thượng viện, ở các cơ quan, chính quyền, đoàn thể Pháp các cấp.

Ở đây phải khẳng định những gì mà Việt Nam đã thể hiện, từ lòng quả cảm trong đấu tranh giải phóng dân tộc đến sự bền bỉ, sáng tạo và thành công trong kiến thiết, phát triển đất nước, cũng như chính sách đối ngoại thủy chung, hòa hiếu, độc lâp, tự chủ, luôn rộng mở và hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới đã và đang tiếp tục tạo sự cuốn hút và thiện cảm mạnh mẽ đối với nhân dân Pháp.

Bạn bè tại Pháp thời gian qua cũng luôn theo dõi, cảm thông, đồng thời có nhiều hoạt động chia sẻ với Việt Nam trong các nỗ lực phòng chống dịch bệnh COVID-19.

- Xin Đại sứ cho biết những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai công tác ngoại giao nhân dân tại địa bàn?

Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Cần thấy rằng những thành tựu của quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp phát triển và đạt được trong gần 50 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và gần 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược là nguồn động viên lớn cho các tất cả các tầng lớp nhân dân, các giới ủng hộ Việt Nam tại Pháp.

Chúng ta có thể cảm nhận rõ nét về điều đó qua các hoạt động phong phú, được sự hưởng ứng nhiệt tình của các hội đoàn, của cộng đồng, của bạn bè và đối tác Pháp trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cũng như qua các hoạt động hợp tác giữa các địa phương hai nước đang ngày càng mở rộng.

Công tác ngoại giao-đối ngoại nhân dân tại Pháp có nhiều thuận lợi và cũng đã đạt được nhiều thành tựu như đã nói ở trên, nhưng cũng đang đứng trước những yêu cầu mới.

Trước hết, cần thấy rằng môi trường hoạt động của ngoại giao-đối ngoại nhân dân giữa hai nước đã và đang có sự thay đổi.

Quan hệ Việt Nam-Pháp đang vươn lên những tầm cao mới, sâu rộng hơn, đồng thời cũng mang tính đối tác nhiều hơn, đòi hỏi đi vào chiều sâu nhiều hơn. Yêu cầu phát triển và mở rộng quan hệ quốc tế của cả hai nước ở giai đoạn hiện nay đều có những nét mới, hướng tới sự đa chiều, đa lĩnh vực, hiệu quả và thiết thực.

Các mối quan hệ, giao lưu giữa nhân dân hai nước cũng ngày càng phong phú hơn, ngày càng nhiều tầng lớp nhân dân hai nước tham gia các hoạt động trao đổi, hợp tác và trải rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Phong trào nhân dân Pháp ủng hộ Việt Nam từ nhiều năm nay đã có sự chuyển mạnh sang các hoạt động hỗ trợ Việt Nam phát triển, đồng thời quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển chung, từ đó đặt ra những vấn đề mới trong xây dựng định hướng hoạt động, tìm kiếm nguồn lực cũng như thiết lập những mối quan hệ đối tác phù hợp.

- Theo Đại sứ, trước những thuận lợi và thách thức nêu trên, trong thời gian tới, chúng ta cần làm gì để ngoại giao nhân dân tại địa bàn Pháp đi vào chiều sâu và tạo ra hiệu quả thiết thực hơn nữa?

Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Hiểu được những thuận lợi và thách thức đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp xác định tiếp tục đặt công tác ngoại giao-đối ngoại nhân dân làm một trọng tâm trong hoạt động của mình, kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao-đối ngoại nhân dân với các hoạt động đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, lồng ghép hiệu quả các hoạt động ngoại giao-đối ngoại nhân dân trong các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa để phát huy được thế mạnh tổng hợp của các hoạt động đối ngoại của chúng ta tại địa bàn Pháp.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp - điểm sáng trong ngoại giao nhân dân ảnh 2Đại sứ Việt Nam Đinh Toàn Thắng trao thư ủy nhiệm tại Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. (Nguồn: Tổ chức quốc tế Pháp ngữ)

Đại sứ quán sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho các hội đoàn hữu nghị và đoàn kết với Việt Nam tại Pháp, coi đây là một trong những nhân tố hàng đầu, nòng cốt cho việc duy trì hệ thống bạn bè, đối tác, góp phần vận động các tầng lớp nhân dân và các giới ở Pháp ủng hộ Việt Nam, ủng hộ quan hệ Việt Nam-Pháp, từ đó huy động thêm các nguồn lực, hỗ trợ phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và triển khai các mục tiêu về đối ngoại của đất nước.

Các bộ phận trong Đại sứ quán sẽ duy trì các kênh thông tin, trao đổi thường xuyên theo nhiều hình thức khác nhau với các hội đoàn về những vấn đề thời sự của Việt Nam, của quan hệ song phương Việt Nam-Pháp để các hội đoàn luôn được cập nhật và hiểu những mong muốn của Việt Nam, của quan hệ hai nước hiện nay, từ đó giúp định hướng và xây dựng các ưu tiên trong hoạt động hội đoàn cho phù hợp.

Đồng thời, đồng hành với các hội đoàn trong triển khai các chương trình, kế hoạch đề ra, nhất là trong các hoạt động hướng về Việt Nam, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc, tìm kiếm giới thiệu các đối tác tiềm năng, phù hợp.

Các hoạt động hội đoàn sẽ không dừng lại ở các khía cạnh đoàn kết, hỗ trợ nhân đạo mà cần được khuyến khích hướng mạnh vào các lĩnh vực đang nổi lên trong hợp tác Việt Nam-Pháp và các yêu cầu phát triển của Việt Nam, tranh thủ tri thức và các nguồn lực của các hội đoàn cho hợp tác y tế trong bối cảnh đại dịch, cho các dự án hỗ trợ phục hồi kinh tế, phát triển bền vững, thúc đẩy đầu tư, trao đổi thương mại, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đại sứ quán cũng sẽ rất chú trọng các hoạt động kết nối giữa các hội đoàn ủng hộ Việt Nam để họ có sự tương tác, phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động ở nước sở tại cũng như trong các hoạt động hướng về Việt Nam, như tổ chức Ngày Hội Đoàn, nhằm tập hợp và kết nối mạng lưới hữu nghị, đoàn kết với Việt Nam tại Pháp.

Theo kế hoạch, sang năm 2022, Đại sứ quán sẽ tổ chức Ngày Hội Đoàn lần thứ ba, tạo bước khởi động cho các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp vào năm 2023.

Đặc biệt, tăng cường kết nối với các Nhóm Hữu nghị với Việt Nam tại Quốc hội, Thượng viện, các hội doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo để phối hợp hành động và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ Việt Nam.

Các lực lượng sinh viên, lưu học sinh và thế hệ những người Việt đến Pháp học tập và làm việc cũng sẽ được vận động tham gia và hỗ trợ các hoạt động hội đoàn, góp phần bổ sung nguồn lực mới, đội ngũ mới với nhiều sức trẻ cho các hội đoàn.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục