Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nhà lãnh đạo lỗi lạc

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một trong những người kiến tạo nên “linh hồn,” “mạch sống” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại hội thảo "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế,” tham luận, ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học tiếp tục khẳng định Đại tướng là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, “đa năng”, “văn võ song toàn”; một trong những người kiến tạo nên “linh hồn,” “mạch sống” của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội sáng 26/12 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914-1/1/2014).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh) sinh ra và lớn lên trên quê hương Thừa Thiên-Huế, vùng đất kiên cường, giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.

Được nuôi dưỡng, giáo dục, tiếp thu truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, đất nước, lại tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách áp bức thống trị của thực dân, phong kiến, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần cách mạng.

Với những công lao và thành tích xuất sắc đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: "Trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; đã hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng tài, thao lược của quân đội Nhân dân Việt Nam, một nhà lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sáng ngời của người cộng sản; trung thực, thẳng thắn, chan hòa với đồng bào, đồng chí, đồng đội. Tình cảm của của đồng chí Nguyễn Chí Thanh với quê hương Thừa Thiên-Huế và tình cảm của quê hương Thừa Thiên-Huế với đồng chí Nguyễn Chí Thanh thật ấm áp và sâu đậm. Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, đồng chí đã đem hết nhiệt huyết cách mạng đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí để lại trong lòng Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên-Huế tình cảm sâu sắc và những cống hiến lớn. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Vịnh-Nguyễn Chí Thanh, người chiến sỹ cách mạng kiên cường, vị tướng tài năng của quân đội và luôn dành cho đồng chí - người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên-Huế những tình cảm thắm thiết, sâu nặng.

Nói về vai trò của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với nhân dân, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chia sẻ sau hòa bình 1954, miền Bắc được giải phóng và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, miền Bắc bắt đầu xây dựng kinh tế theo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị được phân công phụ trách mặt trận nông nghiệp. Sau mấy tháng đầu lăn lộn với cơ sở, Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo mô hình hợp tác xã nông nghiệp, lấy hai xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) và Duyên Hải (thành phố Hải Phòng) làm thí điểm xây dựng hợp tác xã để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Đại tướng đã có cách sáng tạo đặt tên cho phong trào xây dựng kinh tế này với mô hình hợp tác xã, rất ý nghĩa, lôi cuốn hấp dẫn nhân dân, là “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải.”

Phong trào hợp tác xã được phát triển rộng khắp cả miền Bắc sau này, đã củng cố vững chắc hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vững lòng những người lính chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Rất tiếc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đi quá sớm. Nhưng những gì mà Đại tướng để lại là những tài sản vô cùng quý giá cho Đảng, cho nhân dân và quân đội.

Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế” nhằm tiếp tục khẳng định những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mặt khác, nghiên cứu những giá trị và thực tiễn về tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - một người cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành, tận tụy với Đảng, với nước, với nhân dân; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà chiến lược chính trị, quân sự song toàn; vị chỉ huy xuất sắc của quân đội; người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên-Huế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục