Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức của kiều bào

Tiến sỹ Vũ Giản chia sẻ: Số người không thể trường thọ mãi mãi, song sự ra đi của Đại tướng thực sự là sự mất mát quá lớn.
Trong những ngày qua, những kiều bào đang sống xa quê hương từ phương trời Âu châu đều hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo nhiều cách khác nhau. Những tình cảm dâng trào, nhất là đối với Việt kiều có được những cơ hội gặp gỡ với Đại tướng. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Geneva, tiến sỹ Vũ Giản, một Việt kiều đã từng có cơ hội gắn bó và làm việc với Đại tướng trong những ngày ở Geneva, đã không kìm nén được cảm xúc: Số người không thể trường thọ mãi mãi, song sự ra đi của Đại tướng thực sự là sự mất mát quá lớn. Trong lịch sử Việt Nam, có hai vị Đại tướng thọ ở độ tuổi 100. Trước đó là Đại tướng Lý Thường Kiệt đã thọ đến 97 tuổi và khi 96 tuổi tướng Lý Thường Kiệt còn lãnh đạo đánh bại quân nhà Tống. Sau này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những thành quả vang dội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đi đến thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, khiến cho tất cả các nước trên thế giới đều biết đến. Nước Việt Nam đã mất đi Đại tướng Lý Thướng Kiệt và bây giờ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dân tộc Việt Nam lại mất đi một nhân tài trong lịch sử oai hùng của một thời giữ nước. Ngược lại với dòng thời gian, tiến sỹ Vũ Giản đã có nhiều kỷ niệm khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Thụy Sĩ. Nhận lời mời của Đại sứ Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Geneva Trần Văn Thình, Đại tướng đã tới Geneva vào tháng 9/1996. Lúc đó, tiến sỹ Vũ Giản đang làm nhà nghiên cứu đầu tư và quản trị tài sản trong ngành ngân hàng tại Thụy Sĩ và là người sắp xếp lịch trình các chuyến đi của Đại tướng và phu nhân tới Neuchatel, Bale, Zermatt, Laufon. Sau đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới thủ đô Berne và tiếp kiến với Tổng thống Thụy Sĩ thời đó là ông Jean - Pascal Delamuraz vào ngày 24/9 năm đó. Trong thời gian được tiếp xúc với Đại tướng, tiến sỹ Vũ Giản đã cảm nhận được những phẩm chất sáng tạo, tài ba nhưng cũng rất chân thành, bình dị và gần gũi của Đại tướng. Tiến sỹ Vũ Giản rất ấn tượng khi được nghe bài thuyết trình của Đại tướng tại Cercle des Dirigeantiến sỹ d'entreprise (tạm dịch là Câu lạc bộ những người điều hành xí nghiệp) về một đề tài "Vietnam ou le sens du combat" (Việt Nam hay ý nghĩa của cuộc chiến). Năm 2001, khi về Việt Nam công tác cho Bộ Kinh tế Thụy Sĩ với tư cách là chuyên gia Tư vấn Ngân hàng và Đầu tư chứng khoán cho các chương trình trợ giúp ở Việt Nam, tiến sỹ Vũ Giản đã được Đại tá Đỗ Đức Kiên (Cục Trưởng Cục Tác Chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng là học trò của nhà giáo Vũ Chứ - cụ thân sinh của tiến sỹ Vũ Giản) thu xếp đưa đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Nhưng rất tiếc lúc đó Đại tướng đang đi nghỉ ở Đồ Sơn nên tiến sỹ Vũ Giản chỉ gặp được phu nhân Đại tướng là bà Đặng Bích Hà. Từ năm 2001 đến nay, tiến sỹ Vũ Giản đã không ngừng theo dõi tình trạng sức khỏe và mong có dịp được gặp lại Đại tướng. Khi trở về Thụy Sĩ, tiến sỹ Vũ Giản đã thu thập những bài báo ở Thụy Sĩ viết về Đại tướng và cũng có dịp trao đổi với nhà báo Pháp Jean Lacouture. Ông Jean Lacouture là người có nhiều bài viết về chân dung người vạch kế hoạch cho chiến dịch Điện Biên Phủ đăng trên nhật báo nổi tiếng Le Monde. Ông cũng là tác giả của một cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có đề cập nhiều đến Đại tướng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức của kiều bào ảnh 1
Tiến sỹ Vũ Giản ghi lưu bút sổ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Nguồn: Phân xã Geneva/Vietnam+)

Tố Uyên/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục