Đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện vừa và nhỏ ở Hà Giang

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị tỉnh Hà Giang cần triển khai có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện vừa và nhỏ.
Đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện vừa và nhỏ ở Hà Giang ảnh 1Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Chiều 23/8, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Hà Giang về công tác phòng, chống thiên tai năm 2018.

Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang Nguyễn Đức Vinh nêu rõ trong 5 năm qua (2014-2018), Hà Giang đã chịu thiệt hại nặng nề về thiên tai như: lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối, sương mù, lũ quét, lũ ống, ngập lụt, sạt lở đất… khiến 51 người chết, 42 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 1.330 tỷ đồng.

Điển hình trong năm 2017, đợt mưa lớn liên tục kéo dài đã gây thiệt hại gần 300 tỷ đồng (chiếm 1,69% GDP của tỉnh).

Từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai làm 6 người chết, bị thương 6 người; 2.968 nhà bị ảnh hưởng; 37 trường và điểm trường học bị ảnh hưởng bởi đất đá tràn vào, tốc mái hư hỏng; 3 trạm y tế bị hư hỏng; hàng nghìn ha lúa bị ngập úng, hư hỏng; hàng trăm ha diện tích cây thảo quả, cây tam thất bị ảnh hưởng.

Các tuyến đường Quốc lộ 4C, 34, 279, 280 và đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú bị sạt lở đất đá hàng chục ha m3. Nhiều công trình thủy lợi, công trình nước sạch, bờ kè sông bị sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và cuộc sống của người dân. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính 260 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến, Hà Giang là tỉnh miền núi có địa hình đồi núi độ dốc lớn, chia cắt mạnh, hệ thống đường giao thông đi các huyện hầu như nền đường hẹp, độ dốc lớn, kết cấu địa chất không bền vững, hàng năm vào mùa mưa, thường xuyên xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương bị thiệt hại khẩn trương hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

[Nghệ An kiểm tra quy trình vận hành xả lũ của các nhà máy thủy điện]

Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đề nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai quan tâm xem xét bổ sung kinh phí hỗ trợ cho Hà Giang sửa chữa các công trình hạ tầng; hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng xảy ra thiên tai; hỗ trợ thiết bị đo mưa để lắp đặt cho toàn bộ số thôn bản nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; cấp bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn...

Thay mặt Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao sự chủ động, tích cực và những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở Hà Giang, góp phần giảm thiểu đáng kể những hậu quả thiệt hại đối với người dân và phát triển kinh tế trên địa bàn. Hà Giang đã có những sáng kiến hay như việc đưa các kiến thức phòng chống lụt bão vào trường học; phủ lưới đen lên mái nhà để phòng chống mưa đá. 

Đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện vừa và nhỏ ở Hà Giang ảnh 2Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị tỉnh Hà Giang cần triển khai có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện vừa và nhỏ.

Các địa phương thực hiện tốt công tác quan trắc khí tượng thủy văn, kiểm định an toàn đập và các phương án bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ, phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du, tập trung, huy động các nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai đã gây ra, huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố.

Tỉnh cần thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai đến cấp thôn, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống sản xuất tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục