Đảm bảo an toàn nhất cho dự án bauxite Tây Nguyên

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, báo cáo về tác động môi trường của dự án bauxite Tây Nguyên được thẩm định với chất lượng cao nhất.
Sáng 2/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.

Các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận đều thể hiện sự đồng tình cao với những tổng kết, đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế, xã hội trong năm 2010 và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2011.

Mặc dù năm 2010 còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức thực hiện nên đất nước đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu đề ra.

Nhiều ý kiến đánh giá cao sự nhạy bén của Chính phủ trước diễn biến mới của tình hình, với những biểu hiện gia tăng bất ổn kinh tế vĩ mô, đã chuyển hướng từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ngay từ đầu năm 2010; ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP với nhiều giải pháp cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ cương quyết, nhờ đó đã kiểm soát khá tốt chỉ số giá tiêu dùng...

Với nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009.

Trong 21 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu chủ yếu, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của kế hoạch 5 năm 2006-2010.

Các ý kiến của đại biểu ghi nhận trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường đạt được những kết quả tích cực; cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm được quan tâm chỉ đạo và đạt những kết quả thiết thực.

Việc thu hẹp dần khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra

Để nâng cao cuộc sống cho người nông dân, đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) đề nghị Chính phủ cần tổng kết, làm rõ hơn tiến độ thực hiện các đề án cụ thể về việc thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cho biết từ khi có Nghị quyết này Chính phủ đã phê duyệt xong bao nhiêu đề án, chương trình; trong đó có bao nhiêu đề án, chương trình đã được bố trí ngân sách đi vào thực hiện.

Đại biểu cũng đề nghị việc tăng ngân sách Nhà nước trong năm 2011 cho việc thực hiện Nghị quyết 26 như thế nào, không để kéo dài đến khi hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa mới quay lại tăng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.

"Không thể để nông thôn và đời sống người dân cứ tuần tự tăng tiến mà Chính phủ phải có tác động sâu sắc hơn đối với xuất khẩu lúa gạo và các mặt hàng nông sản khác. Chính phủ phải làm sao để người nông dân và nhà xuất khẩu cùng cười chung một nhịp khi được mùa và được giá," đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cùng đề nghị Nhà nước cần sớm ban hành chính sách bảo hiểm nông nghiệp, trước hết chọn thí điểm cho người trồng lúa và chăn nuôi gia súc.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) nêu hiện nay các tỉnh miền núi phía Bắc không phát triển đường thủy, đường sắt và đường hàng không mà chỉ có trục độc đạo là đường bộ. Để tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi phát triển kinh tế theo đại biểu rất cần quan tâm tới việc phát triển và nâng cấp các trục lộ chính và đường vành đai biên giới, tạo tiền đề để các tỉnh bứt phá về kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Trong ý kiến phát biểu của mình, đại biểu Lò Văn Muôn (Điện Biên) khẳng định hiện các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được hưởng nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển của Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế việc thu hẹp dần khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Đại biểu cho rằng đã đến lúc cần xem lại cách thức và mức độ quy mô đầu tư của Nhà nước cho các vùng này.

Đại biểu phân tích thời gian qua số lượng chương trình dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số rất nhiều nhưng tổng mức đầu tư cho từng dự án cũng như việc đáp ứng vốn cho công trình không đáp ứng yêu cầu và không kịp thời dẫn đến hạn chế hiệu quả.

Dẫn chứng tại Điện Biên về việc sắp xếp dân di cư tự do tại huyện Mường Nhé giai đoạn 2008-2012 hiện vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện, đại biểu đề nghị số chương trình, dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới có thể giảm đi nhưng mỗi dự án, chương trình sau khi đã nghiên cứu đầy đủ cần đầu tư thỏa đáng, suất đầu tư phải phù hợp với từng vùng, miền.

"Khi chương trình dự án đã được phê duyệt thì cần bố trí nguồn vốn kịp thời tránh phê duyệt xong để đấy gây mất lòng tin của người dân," đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Y Ngọc (Kon Tum), việc xóa đói giảm nghèo vùng khó khăn hiện còn manh mún, thiếu đồng bộ, nhiều đầu mối chủ trì... dẫn đến trùng lặp về nội dung đầu tư, chưa phát huy được hiệu quả; nguồn lực tài chính thực hiện an sinh xã hội, giảm nghèo còn hạn chế so với nhu cầu, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, hệ thống bộ máy triển khai thực hiện còn yếu và thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất.

Đại biểu kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương. Chính phủ cần rà soát và lồng ghép toàn bộ các chương trình giảm nghèo hiện nay thành một chương trình tổng thể để có sự hỗ trợ đầu tư có hiệu quả.

Cùng với kiến nghị tiếp tục đầu tư chương trình 135 giai đoạn 2011-2015 để góp phần xóa đói giảm nghèo cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí để địa phương tiếp tục triển khai thực hiện một số nội dung còn chưa hoàn thành đối với dự án chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng.

Phân cấp và giao quyền phải phù hợp với năng lực và trình độ quản lý

Báo cáo thêm một số nội dung liên quan đến vấn đề quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong đó có Vinashin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nêu rõ chủ trương và các quy định của Đảng và Nhà nước đã khẳng định phân biệt rõ chức năng của cơ quan đại diện quyền chủ sở hữu của Nhà nước với chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kiên quyết chấm dứt tình trạng cơ quan hành chính nhà nước can thiệp trực tiếp, cụ thể vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hội đồng quản trị doanh nghiệp được giao quyền trực tiếp đại diện chủ sở hữu gắn liền với quyền tự chủ trong kinh doanh. Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu tại tổng công ty nhận và chịu trách nhiệm bảo toàn vốn và tài sản Nhà nước giao.

Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 cũng đã quy định Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của tổng công ty, không can thiệp vào các công việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc và bộ máy của tổng công ty.

Nghị định 132 của Chính phủ phân công, phân cấp về quyền đại diện chủ sở hữu cũng quy định cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước không can thiệp trái pháp luật vào công việc của Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc các tổng công ty nhà nước.

Về thanh tra, giám sát, đối với các tổng công ty nhà nước nói chung, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết từ năm 2007-2009, Bộ Tài chính có báo cáo tổng hợp hoạt động của các Tổng công ty Nhà nước và các tập đoàn, báo cáo với các cấp có thẩm quyền.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện việc củng cố hoạt động của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Tiêu biểu là việc sửa đổi Nghị định 199 về quản lý tài chính với công ty nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác; trong đó có một số sửa đổi quan trọng.

Về công tác giám sát, Vinashin hoạt động theo mô hình tập đoàn từ giữa năm 2006, đến đầu năm 2007, Bộ Tài chính đã tổ chức một cuộc thanh tra, mỗi năm tiếp theo từ đó đến nay đều có các cuộc kiểm tra về quản lý vốn và tài sản.

Căn cứ vào kiến nghị của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, ngay từ năm 2008, Thường trực Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, ra nhiều văn bản chỉ đạo rà soát các hạng mục đầu tư, tập trung vào các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính; sắp xếp, cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết, chưa sát với mục tiêu đề ra; tập trung vào các dự án trọng điểm, có chiến lược phát triển và đóng tàu phục vụ dầu khí, đánh bắt xa bờ, tàu sông...

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, chủ trương tách bạch quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là nhất quán và đúng đắn, đã được khẳng định trong thiết chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, cũng cần phải rút ra bài học là khi phân cấp, phân công và giao quyền thì phải phù hợp với năng lực và trình độ quản lý của cán bộ doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Đại diện các chủ sở hữu cần làm rõ khi có vấn đề phát hiện ra.

Trong thực tế có những vấn đề chỉ phát hiện ra qua thanh tra, kiểm tra, mà như vậy thì thường phát hiện ra sau (ví dụ việc mua tàu, xây dựng hệ thống cảnh báo...).

Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và phân định rõ hơn chức năng và trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và có chế tài đồng bộ, đủ mạnh để các doanh nghiệp phải chấp hành và thực hiện nghiêm các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, theo số liệu nắm được từ Hội đồng Quản trị Vinashin, đến 30/6/2010, số nợ của Vinashin là 86.031 tỷ nhưng tài sản trên sổ sách là 103.774 tỷ. Như vậy, số tiền vay này đang nằm trong các tài sản, dự án. Hiện Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các tài sản này.

Đảm bảo độ an toàn cao nhất cho dự án bauxite Tây Nguyên

Liên quan đến vấn đề môi trường khu vực khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhất là sau sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary và dư luận từ cử tri và một số nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề trước Quốc hội.

Bộ trưởng khẳng định báo cáo đánh giá tác động môi trường do Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) lập, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức hội đồng thẩm định đã được làm rất cụ thể, bảo đảm độ an toàn về môi trường hai khu vực này.

Việc đánh giá tác động môi trường được tiến hành ở cả 4 khu: Khu khai thác mỏ, khu tuyển quặng, hoạt động của nhà máy và khu chất thải theo các tiêu chuẩn hiện đại của thế giới và với các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất, cụ thể nhất của Việt Nam.

Có thể nói, Báo cáo đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất.

Bộ trưởng cho biết Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định gồm 21 người, nhiều hơn các hội đồng thẩm định khác 3 lần. Quan trọng hơn, hội đồng này bao gồm 18 nhà khoa học là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, chủ yếu là các Viện trưởng, viện phó, giám đốc các trung tâm khoa học, hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học. Đằng sau họ là hệ thống các viện nghiên cứu, các trường đại học, bao gồm tất cả các lĩnh vực khoa học liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của hai nhà máy này.

Bộ đã tổ chức đoàn công tác của hội đồng tại Australia (nơi có công nghệ xử lý hiện đại), Brazil (có địa hình, đặc tính mỏ giống Việt Nam) và Trung Quốc (nước chuyển giao công nghệ cho Việt Nam) để học tập kinh nghiệm; chuyển giao các chỉ tiêu, tiêu chuẩn, tiêu chí từ khâu khai thác, chế biến, xử lý bùn đỏ để áp dụng trong thẩm định báo cáo.

Một tổ tư vấn khoa học cũng đã được thành lập, gồm những tiến sỹ, các nhà khoa học.

Trước những quan ngại về độ an toàn, nhất là khả năng phá rừng Tây Nguyên, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, theo Luật khoáng sản, toàn bộ rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, các khu di tích lịch sử, khu văn hóa dân tộc nhất thiết không được cấp phép khai thác mỏ.

Ở giai đoạn thí điểm này, chỉ cho khai thác những nơi chủ yếu là dưới mặt đất 50-70cm, không có cây mọc được, hoặc chỉ có cây bụi gai và cây lùn.

Bộ trưởng nhấn mạnh trong mục tiêu đặt ra có kết hợp khai thác với trồng rừng, tức là mục tiêu kép, có tính đến quy trình trồng rừng, quy trình phục hồi, các trung tâm gây giống...

Bộ trưởng cho biết trữ lượng bauxite Tây Nguyên theo đánh giá khoảng 11 tỷ tấn, nhưng lần này chỉ được khai thác vài chục triệu tấn.

Xung quanh vấn đề bùn đỏ, trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nghiêm cấm để nước xung quanh chảy vào hồ bùn đỏ. Để giải quyết điều này thì một hệ thống mương sẽ được làm để hứng toàn bộ nước. Lưu lượng nước ở đây cũng đã được lường trước yếu tố biến đổi khí hậu. Bùn đỏ là khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại, độ thấm đã được tính đến mức an toàn nhất.

Viện Vật lý Địa cầu cũng đã vào đo từ nhiều năm nay và xác định độ động đất ở đây tối đa là đến cấp 5, yêu cầu trong thiết kế là đến cấp 7, cao hơn 2 cấp, đã là tiêu chuẩn của thế giới, không thể cao hơn.

Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đã khẳng định khu vực hồ bùn đỏ này không có đứt gẫy.

Trong báo cáo đánh giá tác động cũng đã đề cập đến khả năng vỡ hồ và có phương án xử lý là chia thành 8 hồ nhỏ, trồng cây trên bùn đỏ theo mô hình của Brazil. Đến hồ cuối cùng nếu xảy ra vỡ đã có diện tích khoảng 50ha để chứa.

TKV đang nghiên cứu giải pháp về điều kiện kỹ thuật của diện tích này, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không thể để bùn đỏ tràn.

Để đảm bảo TKV có thực hiện đúng, Bộ đã thành lập 1 tổ giám sát, đến khi nghiệm thu xong tất cả các công trình đảm bảo môi trường thì mới cho vào hoạt động.

Theo Bộ trưởng, chưa có một công trình nào Bộ giám sát với điều kiện nghiêm ngặt như thế. Bộ cũng đang chuẩn bị 1 đoàn đi Hungary để xem xét, sau đó, cùng với ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân, tiếp tục rà soát Báo cáo đánh giá tác động môi trường với tinh thần đảm bảo độ an toàn cao nhất dự án bauxite Tây Nguyên.

Cũng về vấn đề bảo vệ môi trường, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đánh giá ô nhiễm môi trường hiện vẫn đang là vấn đề bức xúc, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn thấp.

Đại biểu nêu những dẫn chứng cụ thể về ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí tại các địa phương. Nhiều địa phương tình trạng nước thải sinh hoạt trong thành phố, đô thị và các khu công nghiệp xả trực tiếp ra các khu kênh mương sông hồ.

Trong Báo cáo của Chính phủ cũng nêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường vẫn là 50%. Việc lạm dụng sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho đất nước ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân; vấn đề ô nhiễm không khí diễn ra ở khắp các đô thị trong cả nước, đặc biệt là các nút giao thông, công trường xây dựng, khu sản xuất công nghiệp, các làng nghề...

Đại biểu cho rằng nguyên nhân của tình trạng này do ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội chưa cao; yêu cầu bảo vệ môi trường chưa được tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình phê duyệt và kiểm tra một số công trình dự án đầu tư; nhiều địa phương chưa quán triệt chủ trương phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; chưa quan tâm tới việc phải kiên quyết xử lý những vi phạm trong việc bảo vệ môi trường; đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt chưa có cơ chế để thu hút các nguồn lực cùng tham gia việc bảo vệ môi trường...

Để đảm bảo các chỉ tiêu bảo vệ môi trường trong những năm tiếp theo, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu để thực hiện từng chỉ tiêu cụ thể và tập trung nguồn lực để thực hiện; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục doanh nghiệp và người dân trong việc bảo vệ môi trường, xem đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên để phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực để đầu tư xử lý các chất thải rắn; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối vói các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường và giải pháp ngăn ngừa ở các dự án đầu tư.

Đại biểu đề nghị kiên quyết không cấp phép cho các dự án mới nếu không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; rà soát lại cơ chế quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở doanh nghiệp sản xuất nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai phạm; cần có những quy định về bồi thường thiệt hại về môi trường đối với chủ doanh nghiệp cơ sở sản xuất; trong trường hợp cố tình gây ô nhiễm thì phải xử lý hình sự.

Đại biểu đề nghị năm 2011, Quốc hội cần có Nghị quyết giám sát sát về môi trường trong khu kinh tế và làng nghề./.

Quỳnh Hoa-Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục