Đảm bảo an toàn thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa trước mùa mưa lũ

Đại diện các địa phương cho rằng có một số vấn đề trọng tâm như xây dựng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai và phương án phòng, giảm lũ cho khu vực hạ lưu.
Đảm bảo an toàn thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa trước mùa mưa lũ ảnh 1Các đại biểu khảo sát công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa tại khu vực xả tràn. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Sáng 31/5, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình Thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa tổ chức kiểm tra thực tế và làm việc với các địa phương, đơn vị về hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa (Tây Ninh) trước mùa mưa lũ năm 2019.

Công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa hiện cấp nước tưới trực tiếp cho 108.000ha đất nông nghiệp; tạo nguồn tưới và hỗ trợ tưới cho hơn 45.000ha thuộc tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An.

Ngoài ra, công trình còn cấp nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp cho Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An; kết hợp phát điện bằng cách tận dụng lưu lượng xả môi trường, lượng nước qua cống lấy nước, với tổng công suất thiết kế 20,5MW…

Toàn bộ công trình đầu mối gồm đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống dẫn dòng, cống lấy nước số một, số hai, số ba vẫn đang hoạt động.

Tuy nhiên, theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay chỉ có cống lấy nước số ba chưa phát hiện hạng mục công trình hư hỏng, các công trình còn lại có một số tồn tại, hư hỏng cần được sửa chữa, chưa có thiết bị quan trắc. Ngoài ra, một số tuyến kênh cũng bị hư hỏng, xuống cấp, cần sửa chữa, nâng cấp.

[400 tỷ đồng nâng cấp kênh Tây thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng]

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa cho biết, hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa cần kinh phí khoảng 7 tỷ đồng để bảo trì, nâng cấp, thay thế một số hạng mục đã xuống cấp để đảm bảo quá trình vận hành, sử dụng. Do vậy, các tỉnh, thành phố trong lưu vực cần hỗ trợ kinh phí để thực hiện nâng cấp, sửa chữa.

Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương nêu ra nhiều vấn liên quan đến vận hành công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa, trong đó có một số vấn đề trọng tâm như xây dựng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai và phương án phòng, giảm lũ cho khu vực hạ lưu; cảnh báo, dự báo khi hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng lớn; có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp kênh Tây giai đoạn hai; bảo trì, sửa chữa một số hạng mục đã xuống cấp khác; lắp đặt thiết bị quan trắc…

Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa đề nghị, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa rà soát, kiểm tra, khắc phục, sửa chữa ngay nếu có hạng mục công trình gây mất an toàn trong mùa mưa lũ; tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là trong mùa mưa, lũ năm nay. Các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ về kinh phí sửa chữa...

Ngoài ra, ông Phạm Văn Tân đề nghị các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương về hoạt động khai thác cát trong lòng hồ; tăng cường tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ hoạt động trong và ngoài hồ Dầu Tiếng như bảo vệ hành lang thoát lũ, xả thải, chăn nuôi gia súc gia cầm, đào ao trong đất bán ngập.

Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về khảo sát, đo đạc, đánh giá lại toàn bộ diện tích lòng hồ Dầu Tiếng, thống nhất chủ trương để triển khai lập đề án nâng cấp tổng thể công trình hồ Dầu Tiếng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục