Đảm bảo các quyền lợi dành cho người khuyết tật

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục đích của việc xác định mức độ khuyết tật là xây dựng chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người khuyết tật dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Dự án luật này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật mới bao gồm 10 chương, 54 điều, trong đó đã bổ sung thêm một chương mới đó là Chương II: Xác nhận khuyết tật gồm 6 điều quy định về trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, phương pháp, thủ tục xác định mức độ khuyết tật, việc xác định lại mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật.

Liên quan đến một số vấn đề còn có những ý khác nhau, như mức độ khuyết tật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mục đích chính của việc xác định mức độ khuyết tật là xây dựng chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Từ trước tới nay, Nhà nước mới chỉ có một số chính sách hỗ trợ dành riêng cho nhóm người tàn tật nặng. Đến nay, sau hơn 12 năm thi hành Pháp lệnh người tàn tật, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội đã cho phép có thể bổ sung chính sách cho người khuyết tật. Do đó, việc quy định mức độ khuyết tật theo ba nhóm là người khuyết tật đặc biệt nặng; người khuyết tật nặng và người khuyết tật nhẹ là phù hợp.

Đối với Giấy xác nhận khuyết tật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc cấp giấy xác nhận khuyết tật nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật có thể được hưởng các chính sách như giảm, miễn học phí, tư vấn dạy nghề, việc làm, trợ cấp xã hội, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông hay sử dụng một số dịch vụ công cộng...

Tuy nhiên, do điều kiện của người khuyết tật và mức độ khuyết tật thường thay đổi (theo chiều hướng tốt hơn do có sự cố gắng tập luyện của bản thân người khuyết tật, do các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực phục hồi chức năng hoặc có thể theo chiều hướng xấu hơn), việc xác định mức độ khuyết tật để cấp giấy xác nhận cho người khuyết tật chỉ nên thực hiện đối với người khuyết tật có nhu cầu, được tiến hành bằng thủ tục đơn giản, phù hợp với người khuyết tật và do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã cấp giấy xác nhận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng đồng thời bổ sung chế độ hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc cho người nhận nuôi dưỡng và chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng và gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng không gắn với tiêu chí hộ nghèo là phù hợp và hiện nay chính sách bảo trợ xã hội của Chính phủ đối với người khuyết tật nặng cũng đã quy định theo hướng này.

Mức trợ cấp cụ thể sẽ do Chính phủ quy định để bảo đảm cho chính sách được vận hành linh hoạt và hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế từng thời kỳ.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý với Ban soạn thảo về một số vấn đề liên quan, chủ yếu là việc xác định mức độ khuyết tật.

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) cho rằng rất khó đánh giá mức độ khuyết tật là nặng hay nhẹ. Ông Hùng đề nghị Luật nên quy định cơ quan có thẩm quyền kết luận vấn đề này là hội đồng y khoa cấp huyện.

Đại biểu Lê Thị Mai (Hải Phòng) thì cho rằng việc phân loại mức độ khuyết tật rất dễ dẫn đến những vấn đề nảy sinh nếu chỉ dựa trên quan sát thực tế bằng mắt thường. Đại biểu đề nghị dự Luật nên quy định việc xác định mức độ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng phải qua giám định y khoa vì mức độ này liên quan đến những chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước.

Về Giấy chứng nhận khuyết tật, do vấn đề này liên quan đến những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và quyền lợi trực tiếp của người khuyết tật, các đại biểu đề nghị rút ngắn thời hạn giải quyết xuống chỉ còn 30 ngày sau khi có đề nghị của người khuyết tật hoặc người thân của họ.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng người khuyết tật vào dự án Luật gồm phụ nữ khuyết tật đang mang thai; bổ sung các chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn lao động là người khuyết tật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu và bố sung ý kiến của các đại biểu Quốc hội đồng thời quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật, trách nhiệm của người khuyết tật với gia đình và xã hội. Bổ sung quy định về chính sách đối với người khuyết tật là người có công.

Dự thảo Luật cũng cần có quy định về việc quan tâm đầu tư y tế cấp xã là nơi trực tiếp chăm sóc người khuyết tật./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục