Đảm bảo giữ vững sự ổn định về chính trị ở vùng Tây Bắc

Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc tiếp tục củng cố, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo vào mục đích chống phá.
Đảm bảo giữ vững sự ổn định về chính trị ở vùng Tây Bắc ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)

Ngày 4/8, tại Tuyên Quang, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội nghị công tác bảo đảm an ninh, trật tự một số tỉnh trung du và miền núi phía Bắc năm 2015.

Hội nghị đánh giá, thời gian qua tình hình chính trị-xã hội có những diễn biến phức tạp, song với sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong vùng, công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại một số tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc đã đạt được những kết quả quan trọng.

An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử xấu; kiềm chế được hoạt động của tội phạm về ma túy, buôn bán người, di cư tự do, xuất cảnh trái phép; đồng thời không để xảy ra sự kiện đột xuất, bất ngờ; không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, nhất là lực lượng chức năng đã chủ động triển khai toàn diện các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh xóa bỏ hoạt động của một số “tà đạo,” góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại một số tỉnh trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Đó là tình hình an ninh trên tuyến biên giới, hoạt động của tội phạm về ma túy, tình trạng xuất cảnh trái phép, khiếu kiện, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tuyên truyền đạo trái pháp luật vẫn còn tiếp diễn; hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tại một số địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Để giữ vững sự ổn định về chính trị trên vùng Tây Bắc, các đại biểu thống nhất, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá; không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh, trật tự; tập trung củng cố và xây dựng thế trận an ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo nền tảng vững chắc cho công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn vùng Tây Bắc.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, chỉ đạo thời gian tới, các địa phương trên địa bàn vùng Tây Bắc cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự; triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 26-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37/NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh trên địa bàn, chủ động tấn công các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ an ninh biên giới, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo; không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; không để nhân dân bỏ lao động sản xuất, tụ tập đông người khiếu nại, tố cáo, gây mất an ninh, trật tự.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương trên địa bàn quan tâm giải quyết nhu cầu chính đáng về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với việc thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; thường xuyên chăm lo củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở; bố trí cơ cấu cán bộ người dân tộc hợp lý, ưu tiên cán bộ là người H'Mông trong bộ máy cấp ủy, chính quyền; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ; đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, nhất là vai trò của người có uy tín; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương, các lực lượng, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và đấu tranh chính trị với các thế lực thù địch, phần tử xấu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục