Đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân

Các tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, thông tin lịch lấy nước tới tận xã, thôn, bản để đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2012.
Kết thúc thời gian lấy nước đợt 2 để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2012, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi để đánh giá về kết quả lấy nước trong thời gian vừa qua.

- Xin ông cho biết sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc lấy nước đổ ải cho vụ Đông Xuân 2012?

Thứ trưởng Đào Xuân Học: Từ khi Chính phủ yêu cầu thành lập tổ công tác chống hạn do tôi làm Tổ trưởng và ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm Tổ phó, chúng tôi đồng thuận rằng việc cấp nước cho nông nghiệp là việc phải làm. Theo đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và các đơn vị trong cấp nước cho sản xuất nông nghiệp ngày càng chặt chẽ, chủ động và đạt hiệu quả hơn.

Năm 2012 cũng vậy, để đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân, cả ba bên là thủy lợi, trồng trọt và thủy điện đã ngồi lại với nhau. Trước tiên, chúng tôi ưu tiên cho bên trồng trọt đề xuất khung thời vụ trước rồi căn cứ vào con triều để bàn lại với trồng trọt xem có thể xê dịch ngày cho phù hợp với đỉnh triều, sau đó thống nhất lại với bên ngành điện để xả nước nhưng đảm bảo nguyên tắc cấp nước và cấp điện phải đồng bộ, nước xả nhiều nhưng đảm bảo không thiếu điện vì Đồng bằng sông Hồng chủ yếu lấy nước bằng bơm.

Sau khi thống nhất trong tổ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn họp với các địa phương để nghe ý kiến của các địa phương sau đó bộ ban hành văn bản chính thức. Các địa phương phải có trách nhiệm và thống nhất triển khai kế hoạch lấy nước.

Vì vậy, trong vụ Đông Xuân 2012, thực hiện kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với việc ưu tiên nước và điện của EVN, các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, thông tin lịch lấy nước tới tận các xã, thôn, bản để đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy; đồng thời, các địa phương cũng chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, phân công trực lấy nước suốt ngày suốt đêm để tăng hiệu quả lấy nước.

Bên cạnh đó, Vụ Công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thành lập các đoàn tích cực đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương lấy nước đặc biệt có những chỉ đạo kịp thời đối với các địa phương không đảm bảo tiến độ lấy nước nên đến thời điểm hiện nay đã cơ bản đủ lượng nước phục vụ gieo cấy.

- Ông có thể đánh giá về kết quả hai đợt lấy nước phục vụ vụ Đông Xuân 2012 vừa qua?

Thứ trưởng Đào Xuân Học: Kết thúc thời gian lấy nước đợt 2, diện tích có nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2012 của toàn vùng đã đạt trên 90%. Có thể nói sau 2 đợt lấy nước lượng nước đã cơ bản đủ, phần chưa có nước còn lại đã được các tỉnh dự trữ và chỉ còn bơm nước vào để phục vụ gieo cấy.

Tình hình lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2012 có thể nói là khá thuận lợi do nguồn nước, lượng nước lưu thông dồi dào cộng với độ ẩm không khí lớn và mưa nhiều. Cũng phải nói thêm rằng, kết quả lấy nước mỗi năm khác nhau do thời tiết khác nhau, thời gian lập xuân khác nhau, thời gian con triều cũng khác nhau nên lịch thời vụ cũng có sự khác nhau, vì vậy trước mỗi vụ gieo cấy, Bộ phối hợp với Tập đoàn Điện lực cùng các địa phương, chi cục thủy lợi chỉ đạo chặt chẽ, huy động tối đa nguồn lực để hiệu quả lấy nước đạt tốt nhất, đảm bảo nước phục vụ gieo cấy.

Tuy nhiên, ở vụ Đông Xuân 2011, kết thúc hai đợt lấy nước, tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang… có diện tích lấy nước đạt rất thấp do địa hình, tập quán lấy nước và thời vụ gieo cấy muộn. Rút kinh nghiệm, năm 2012, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của bộ, Tổng cục Thủy lợi thành lập các đoàn kiểm tra và sự đôn đốc từ địa phương nên tính đến thời điểm này diện tích có nước của tỉnh Vĩnh Phúc cũng đạt tới 90%, do địa hình là các tỉnh trung du nên phần diện tích chưa có nước là diện tích xen kẹp được sử dụng tưới thông qua hồ và hệ thống trữ nước…

Đạt được kết quả lấy nước phục vụ gieo cấy, bên cạnh sự thuận lợi của nguồn nước, độ ẩm không khí và mưa nhiều thì phải kể đến sự phối hợp tích cực của EVN trong việc đảm bảo cung cấp điện, lưu lượng nước xả tăng so với năm trước nên mực nước toàn tuyến sông Hồng luôn đạt vượt mức 2,2m và có thời điểm đạt 2,64m. Đây là điều kiện để hệ thống công trình thủy lợi, máy bơm… hoạt động tối đa công suất đưa nước vào ruộng.

- Xin cảm ơn ông!

Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục