Đảm bảo thống nhất Luật Hàng không dân dụng với các luật khác

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Nhà chức trách hàng không.
Đảm bảo thống nhất Luật Hàng không dân dụng với các luật khác ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, chiều 15/7, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và giải thích Khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo.

Đảm bảo thống nhất Luật Hàng không dân dụng với các Luật khác liên quan

Về quy định Nhà chức trách hàng không, qua thảo luận, các ý kiến đều tán thành việc bổ sung quy định về “Nhà chức trách hàng không” trong Luật để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn vừa phù hợp với các điều ước quốc tế về hàng không dân dụng mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, quy định cụ thể cá nhân, cơ quan nào là Nhà chức trách hàng không thì còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Nhà chức trách hàng không. Ý kiến khác nhất trí với dự thảo Luật quy định “Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là Nhà chức trách hàng không.”

Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu cho rằng trong Luật Hàng không dân dụng năm 2006 chưa xác định chủ thể nào là Nhà chức trách hàng không, nhưng trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có văn bản xác định Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, có văn bản xác định Cục hàng không Việt Nam...

Thực tiễn thực hiện các điều ước quốc tế, nhiệm vụ của Nhà chức trách hàng không Việt Nam được giao cho Cục hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thì "Nhà chức trách hàng không" phải có thẩm quyền quy định về đối tượng, chính sách an toàn hàng không.

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nhà chức trách hàng không chỉ có thể giao cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, không thể giao cho Cục hàng không Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Nhà chức trách hàng không.

Về quy định loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá, nhiều ý kiến nhất trí quy định về các loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này để bảo đảm thống nhất với Luật giá.

Về vấn đề này, các đại biểu nhận định, nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay bị nâng giá rất cao, gây bức xúc xã hội trong thời gian qua là do giá thuê mặt bằng cao và doanh nghiệp đã lợi dụng vị thế độc quyền của mình.

Vì vậy, để khắc phục những bất cập về giá, dự thảo Luật đã bổ sung quy định một số loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá bao gồm: giá dịch vụ an ninh hàng không tăng cường; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ hàng không khác.

Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan nhà nước kiểm soát giá tại các cảng hàng không, sân bay nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

Cho ý kiến về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng, có ý kiến đề nghị giao Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải.

Ý kiến khác tán thành dự thảo Luật quy định Bộ Giao thông Vận tải quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng.

Để bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý sân bay chuyên dùng, các đại biểu đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo loại ý kiến thứ nhất, giao Bộ Quốc phòng thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng để bảo đảm tính khả thi, minh bạch...

Đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng các sản phẩm thay thế sữa mẹ

Thời gian còn lại của buổi làm việc, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải thích Khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo.

Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải giải thích Khoản 4, Điều 7 Luật Quảng cáo. Theo đó, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cần được hiểu là sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật được sử dụng thay thế một phần hoặc toàn bộ phần sữa mẹ trong cơ cấu dịnh dưỡng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Hiện nay trên thị trường có hai loại sản phẩm dinh dưỡng công thức là sản phẩm sữa công thức có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula) và sản phẩm sữa công thức sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi (follow up formula).

Hai loại sản phẩm này đều có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp.

Sản phẩm sữa công thức có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula) được sử dụng thay thế một phần hoặc hoàn toàn sữa mẹ trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF), sản phẩm dinh dưỡng công thức sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi (follow up formula) không được xác định là thức ăn bổ sung (thức ăn dặm). Tuy nhiên, sản phẩm này lại được Bộ Y tế cấp phép cho các công ty sữa ghi nhãn mác là thức ăn bổ sung.

Sản phẩm này hiện nay đang được quảng cáo tràn lan kèm theo hình ảnh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến cho các bà mẹ dễ nhầm lẫn lựa chọn thay vì cho con bú sữa mẹ sau 6 tháng đầu đời và lâu hơn, trong khi thành phần và công thức của nó không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng để có thể thay thế sữa mẹ. Do vậy, các đại biểu đề nghị, Chính phủ nghiên cứu đề xuất cách giải thích phù hợp, tránh việc phải tiếp tục bổ sung văn bản giải thích pháp luật khi có những sản phẩm mới phát sinh.

Chính phủ nghiên cứu chỉnh sửa kỹ thuật văn bản, sử dụng các thuật ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản Kết luận và giao Chính phủ quy định rõ hơn Khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng cáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục