Đảm bảo thương mại giữa Anh và Việt Nam không bị gián đoạn sau Brexit

Việc áp dụng tạm thời UKVFTA sẽ đảm bảo thương mại song phương không bị gián đoạn trong khi hai bên tiếp tục hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên.
Đảm bảo thương mại giữa Anh và Việt Nam không bị gián đoạn sau Brexit ảnh 1Lễ ký kết UKVFTA. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được chính thức ký kết vào ngày 29/12/2020, Việt Nam và Vương quốc Anh đã hoàn tất thủ tục trong nước cho phép áp dụng tạm thời Hiệp định này kể từ 23 giờ GMT ngày 31/12/2020 (6 giờ sáng ngày 1/1/2021 giờ Việt Nam).

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, việc áp dụng tạm thời UKVFTA sẽ đảm bảo thương mại song phương không bị gián đoạn trong khi hai bên tiếp tục hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thành các thủ tục trong nước để phê duyệt Hiệp định UKVFTA, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng tạm thời Hiệp định.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ triển khai việc xây dựng Kế hoạch thực thi nhằm bảo đảm tận dụng tối đa cơ hội mang lại từ Hiệp định này, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.

[Việt Nam và Vương quốc Anh chính thức ký hiệp định UKVFTA]

Cũng theo Bộ Công Thương, thông báo chính thức của Chính phủ Anh nêu rõ, Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách các nước thụ hưởng Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Vì vậy, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh vẫn được hưởng thuế quan ưu đãi GSP khi doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình C/O mẫu A theo quy định.

Anh hiện chỉ chấp nhận chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo cơ chế Liên minh châu Âu sử dụng, cho phép cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hoá của mình (REX) được phát hành trước ngày 1/1/2021 đối với hàng hóa nhập khẩu vào UK trong vòng 12 tháng kể từ sau ngày 31/12/2020.

GSP là cơ chế ưu đãi đơn phương dành cho các nước đang phát triển và chậm phát triển trong quan hệ thương mại với các nền kinh tế lớn.

Trong những năm qua, Liên minh châu Âu (khi Anh vẫn còn là thành viên) đã áp dụng cơ chế này cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tận dụng tốt cơ chế này để mở rộng thị trường tại EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục