Đảm bảo tốt việc thực thi quyền, nghĩa vụ công dân

Thạc sỹ Luật học Văn Khắc Hùng đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể, tâm huyết để đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thạc sỹ Luật học Văn Khắc Hùng đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể để đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại bản Hiến pháp 1946, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi nhận các quyền và nghĩa vụ của công dân tại Chương II với các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá và các nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước. Nhóm quy định về các quyền và nghĩa vụ trong Hiến pháp 1946 đều đã đáp ứng được các thỏa ước tại Tuyên ngôn thế giới về quyền con người.

Khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Nhà nước Việt Nam cũng đã nhanh chóng ký kết và tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, trong đó có hai công ước bao quát đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người, đó là: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế, về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966 (Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982), đồng thời đã nội luật hóa các quy định của các công ước đó vào hệ thống pháp luật quốc gia.

Nhóm các quy định này cũng tiếp tục được thể hiện chi tiết hơn trong bản Hiến pháp 1992; đồng thời được cụ thể hóa qua hệ thống các đạo luật chuyên ngành như Bộ Luật Hình sự; Bộ Luật Tố tụng hình sự; Bộ Luật Dân sự; Bộ Luật Tố tụng dân sự; Bộ Luật Lao động, Luật Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; Luật Phòng, chống HIV/ AIDS; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Viên chức; Luật Phòng chống mua bán người...

Các đạo luật này đã và đang góp phần bảo đảm thực thi các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, qua thời gian áp dụng, các quy định của Chương quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng đã bộc lộ một số vấn đề hạn chế. Vì vậy, việc thiết kế, bổ sung các quy định về vấn đề này trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hoàn toàn chính đáng.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có những quy định cụ thể hơn về quyền con người, quyền công dân, khắc phục hạn chế của Hiến pháp 1992 như Dự thảo đã đặt vị trí Chương quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II sau Chương I về “Chế độ chính trị” và đổi tên gọi là “Chương về Quyền con người và quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” là phù hợp với thông lệ quốc tế; tương xứng với vị trí, tầm quan trọng của chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Dự thảo đã bổ sung một số quy định mới, khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do của mỗi người. Quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; lược bỏ một số quy định không phải là các quyền cơ bản (như quyền xây dựng nhà ở...); bổ sung một số quyền là kết quả của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, đồng thời cũng phù hợp hơn với quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

Việc thiết kế quy định của Chương II, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng còn một số điểm chưa hoàn thiện bộc lộ một số hạn chế như việc liệt kê quyền của công dân tại Điều 17 và Điều 27 trong các lĩnh vực về chính trị, dân sự, kinh tế-xã hội của công dân là thừa, vừa không đủ lĩnh vực, không cần thiết. Thạc sỹ Luật học Văn Khắc Hùng đề nghị cần gom các quyền này theo hướng các nhóm về quyền chính trị, dân sự, kinh tế-xã hội.

Về khoản 2 Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50), việc giới hạn quyền công dân trong các trường hợp được quy định trong dự thảo Hiến pháp là rộng; đối với các lý do như để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thì cần phải có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc lệnh, quyết định của Viện Kiểm sát, cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước hay vì lý do để bảo đảm về đạo đức, sức khỏe cộng đồng thì chỉ được thực hiện khi có quyết định của Tòa án hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Những nội dung này cũng đã được quy định cụ thể tại các Điều 22, 23... của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Do đó, cần quy định lại nội dung Điều 15 của dự thảo Hiến pháp cho rõ phạm vi hạn chế và bảo đảm không chồng chéo với các điều luật khác của dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Điều 21 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền sống” là chưa bao quát được trường hợp, cũng như chưa diễn tả hết được ý nghĩa, nội hàm của quyền công dân này theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và thực tiễn hiện nay của Việt Nam. Do đó, thạc sỹ Luật học Văn Khắc Hùng đề nghị tham khảo cách thể hiện về quyền này quy định tại Điều 6 của Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị, đó là “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện“.

Về Điều 22 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đề nghị giữ lại quy định của Điều 71 Hiến pháp 1992 và quy định thành quyền con người cho phù hợp. Việc dự thảo bỏ quyền: “không ai có quyền bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt giữ và giam giữ người phải đúng pháp luật” là chưa bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của công dân./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục