Đảm bảo trật tự giao thông trong dịp Tết Canh Dần

Bộ Công an đã có kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời điểm cuối năm, dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Canh Dần.
Ngày 20/11, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2009, đồng thời triển khai các biện pháp trong dịp Tết Canh Dần 2010.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, trong 11 tháng của năm 2009, tình hình trật tự an toàn giao thông, nhất là việc kiềm chế tai nạn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông đường bộ giảm cả 3 mặt so với cùng kỳ năm 2008, cụ thể số vụ giảm gần 5%; số người chết giảm 301 người (gần 3%); số người bị thương giảm gần 7%. Có 32 địa phương giảm cả 3 mặt; tai nạn giao thông đường thủy giảm 23% so với năm trước đó.

Nhận định tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Bộ Công an đã có kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhất là thời điểm cuối năm, dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.

Theo thông lệ vào những khoảng thời gian này, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông sẽ gia tăng đột biến. Vì vậy, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, sử dụng triệt để các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đối tượng bị kiểm soát gắt gao vẫn là lái xe ôtô chở khách và các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; đi sai phần đường, làn đường; xe chở quá tải; không thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện và người ngồi ghế trước của xe ôtô; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy…

Trong 11 tháng vừa qua, toàn quốc đã xảy ra hơn 10.800 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 10.168 người; bị thương gần 7.000 người khác, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 16,6 tỷ đồng.

Trong số các vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, tai nạn có nguyên nhân từ ôtô chở khách vẫn chiếm tỷ lệ cao (22,4%), gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân với 29 vụ, làm chết 110 người. Tai nạn giao thông đường sắt tăng về số người chết và số người bị thương với 391 vụ, làm chết 178 người, 259 người khác bị thương.

Vấn nạn ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn, các tuyến quốc lộ vẫn liên tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự giao thông. Cụ thể, năm 2009 toàn quốc có tới gần 230 vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 1 giờ, tăng 110 vụ (92%) so với năm 2008. Trong đó, thủ đô Hà Nội có số vụ ùn tắc xảy ra nhiều nhất trong cả nước với gần 100 vụ. Tình hình chống lại lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông vẫn liên tục tái diễn với gần 100 vụ. Trong đó, Hà Nội cũng là nơi xảy ra nhiều nhất với 37 vụ.

Tại Hà Nội, năm 2009 đã có tới 6 vụ cảnh sát phải nhảy lên nóc capo xe ôtô để tránh bị thương; 3 trường hợp cảnh sát phải đu bám trên đầu xe hàng chục km do lái xe vi phạm cố tình điều khiển xe chạy vòng vèo.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra xử lý gần năm triệu đường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nộp kho bạc Nhà nước 1.178 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe của 159.039 trường hợp, tạm giữ 18.776 xe ôtô, 630.130 xe môtô, xe máy; 99.346 phương tiện khác.

Theo lý giải của Bộ Công an, nguyên nhân dẫn đến tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2009 vẫn diễn biến phức tạp là do nhu cầu đi lại của người dân không ngừng gia tăng; lượng phương tiện giao thông mới liên tục gia tăng kéo theo những yếu tố làm quá tải mật độ phương tiện tham gia giao thông trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn chưa thực sự tự giác. Nhóm vi phạm nhiều nhất là người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, vi phạm các quy tắc tránh vượt…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục