Đàm phán giữa chính phủ Colombia và FARC tiến triển tích cực

FARC và chính phủ Colombia đang tiến rất gần tới một thỏa thuận giải quyết vấn đề tội phạm ma túy, nội dung trọng điểm thứ 3 trong chương trình đàm phán 5 điểm.
Đàm phán giữa chính phủ Colombia và FARC tiến triển tích cực ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), Ivan Marquez. (Nguồn; AFP/TTXVN)

Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) ngày 4/5 cho biết lực lượng này và chính phủ Colombia đang tiến rất gần tới một thỏa thuận giải quyết vấn đề tội phạm ma túy sau khi kết thúc vòng đàm phán hòa bình mới nhất tại thủ đô La Habana của Cuba.

Trưởng đoàn đàm phán FARC Ivan Marquez dẫn tuyên bố chính thức cho biết tại vòng đàm phán thứ 24, FARC và chính quyền Bogota đã tiến sát ngưỡng cửa khép lại vấn đề về tội phạm ma túy, nội dung trọng điểm thứ ba trong chương trình đàm phán 5 điểm.

Tuy nhiên, đoàn đàm phán chính phủ vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức.

Tiến triển tích cực này có thể trở thành đòn bẩy cho Tổng thống đương nhiệm Juan Manuel Santos trong cuộc chạy đua tìm kiếm nhiệm kỳ bốn năm lần thứ hai trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 25/5 tới.

Trước đó, hôm 28/4, ông Santos đã công bố cương lĩnh tái tranh cử tập trung vào mục tiêu đạt được thỏa thuận hòa bình với FARC nhằm chính thức khép lại cuộc xung đột kéo dài gần nửa thế kỷ qua tại quốc gia Mỹ Latinh này.

FARC và chính phủ Colombia khởi động tiến trình hòa đàm từ tháng 11/2012 với năm chủ đề chính là cải cách ruộng đất, vai trò chính trị của FARC, nạn buôn bán ma túy, giải giáp vũ khí và chính sách cho các nạn nhân của cuộc xung đột.

Đến nay, hai bên đã đạt được nhất trí về ba nội dung đầu tiên và chỉ còn phải thương thuyết về hai chủ đề cuối là giải giáp vũ khí và bồi thường cho các nạn nhân xung đột.

Dự kiến, sau khi đạt được thỏa thuận toàn diện, hai bên sẽ bàn thảo cơ chế tiến hành trưng cầu ý dân về văn kiện này.

Theo ước tính, cuộc xung đột vũ trang kéo dài năm thập kỷ qua tại Colombia đã khiến ít nhất 220.000 người thiệt mạng, 25.000 người mất tích và 4,7 triệu người phải rời bỏ nơi sinh sống.

Đây là cuộc xung đột vũ trang kéo dài nhất tại châu Mỹ chưa được giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục