Đàm phán hạt nhân bế bắc: Bên nào sẽ mở cánh cửa đối thoại trước?

Tình hình hiện tại đang khiến một số người thất vọng và căng thẳng, nhưng tin tốt là không bên nào sẵn sàng đóng sập cánh cửa đàm phán và vẫn tiếp tục duy trì ngoại giao.
Đàm phán hạt nhân bế bắc: Bên nào sẽ mở cánh cửa đối thoại trước? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 28/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin ngày 27/4/2019 đánh dấu kỷ niệm 1 năm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Panmunjom lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Hội nghị đã khởi động “cơn lốc” ngoại giao thượng đỉnh của Triều Tiên, đồng thời thúc đẩy một làn sóng hy vọng mới rằng ngoại giao sẽ là phương pháp hiệu quả sau nhiều năm đối đầu và căng thẳng.

Tuy nhiên, lễ kỷ niệm lại được đánh dấu bằng những thông điệp lẫn lộn và thái độ bất hòa - khi chỉ có người Hàn Quốc kỷ niệm ngày lễ một mình.

[Hàn Quốc: Triều Tiên thử vũ khí dẫn đường và giàn phóng rocket mới]

Triều Tiên đã không nhiệt tình đáp lại lời mời tham dự lễ kỷ niệm của Hàn Quốc, còn Ủy ban Tái Thống nhất Hòa bình Triều Tiên thì thẳng thắn yêu cầu Hàn Quốc tìm kiếm “các biện pháp tích cực hơn” để cải thiện quan hệ liên Triều.

Những nỗ lực nối lại hữu nghị liên Triều từng được xác nhận ở Panmunjom hiện đang bị mắc kẹt bởi sự bế tắc trong vấn đề hạt nhân.

Mối quan hệ Mỹ-Triều cũng chưa thể được cải thiện. Dù hầu hết các nhà quan sát không mấy lạc quan về một giải pháp cuối cùng cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên, song những gì đã diễn ra ở hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng Hai vừa qua vẫn khiến nhiều người sửng sốt.

Tuy nhiên, thế bế tắc hiện tại không nên được coi là một trò chơi chờ đợi trong vô vọng hoặc là một khúc dạo đầu cho một sự thất bại tồi tệ.

Tình hình đang khiến một số người thất vọng và căng thẳng, nhưng tin tốt là không bên nào sẵn sàng đóng sập cánh cửa đàm phán và vẫn tiếp tục duy trì ngoại giao.

Việc ngưng trệ các cuộc đàm phán là một cơ hội để tạo lập những yếu tố mới - để xem xét các chiến lược, cải tổ các nhân vật chủ chốt nếu cần thiết, cân nhắc lại các mục tiêu và làm mới động lực. Đã đến lúc lên kế hoạch cho giai đoạn đàm phán tiếp theo.

Cần lưu ý 2 điều: không nên hạ thấp các thành tựu ngoại giao đã đạt được cho đến nay, và cũng không nên coi nhẹ những nguy cơ và hậu quả từ thất bại trong ngoại giao với Triều Tiên.

Có những bước đi đầy hứa hẹn đã được thực hiện trong một năm qua để gắn kết với Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un và giới lãnh đạo Triều Tiên đã không còn trong tình trạng xa lánh thế giới.

Ông đã tổ chức 12 cuộc gặp thượng đỉnh trong vòng 13 tháng - chỉ ít hơn một chút so với những gì người cha quá cố của ông là cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il từng làm được trong suốt nhiệm kỳ cầm quyền 18 năm của mình.

Việc ông Kim Jong-un tham gia nhiều cuộc họp cá nhân với các lãnh đạo thế giới khiến ông khó có thể quay trở lại khuôn mẫu ẩn dật trong quá khứ. Hiện, ông đã biết thế nào là cảm giác được cả thế giới chú ý và được đối xử như một nhà lãnh đạo của một quốc gia bình thường.

Thông qua tiến trình ngoại giao thượng đỉnh - một kinh nghiệm hoàn toàn mới đối với giới lãnh đạo và chế độ cầm quyền của Triều Tiên - họ trước hết đã hiểu được rằng các hoạt động ngoại giao đã “giải phóng” vương quốc đơn độc của họ như thế nào. Họ có thể đã hiểu thế nào là giá trị của sự bình thường.

Tiến trình ngoại giao là một kinh nghiệm quý giá cho Triều Tiên, nhưng cũng là một cơ hội hiếm hoi để phần còn lại của thế giới hiểu rõ về quốc gia này.

Có nhiều thiếu sót trong chính sách ngoại giao hiện tại của Triều Tiên mà đòi hỏi phải có một kế hoạch mang tính chiến lược hơn cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Mặc dù các giá trị của chính sách ngoại giao từ trên xuống không nên bị xem nhẹ, song những giới hạn của chính sách này cũng có thể cản trở tiến trình đàm phán thực tế.

Các hội nghị thượng đỉnh, vốn được quyết định và thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo hàng đầu nhưng lại không có sự chuẩn bị đầy đủ, chắc chắn sẽ đi đến thất bại, điển hình nhất là hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội.

Điều này đặc biệt đúng khi có quá nhiều vấn đề kỹ thuật và các vấn đề phải làm sáng tỏ - chẳng hạn như định nghĩa của các thuật ngữ quan trọng như phi hạt nhân - đều cần phải được giải quyết từ trước.

Dù sao, sức mạnh của các mối quan hệ cá nhân không thể được đánh giá quá cao bởi các hội nghị thượng đỉnh luôn quan trọng hơn giá trị của việc xuất hiện trong các bức hình và sự trao đổi những lời lẽ tâng bốc nhau trong các bữa ăn mang tính "thân hữu."

Chính quyền Triều Tiên hiện nay dường như vẫn hoạt động dựa trên hệ thống đã tồn tại từ rất lâu. Do vậy, quyền lực trên thực tế (thể chế) của ông Kim Jong-un có thể không lớn mạnh như quyền lực pháp lý của ông. Điều này giới hạn những gì mà chính bản thân ông Kim Jong-un có thể quyết định và thực hiện thay mặt giới lãnh đạo Triều Tiên.

Bất chấp những khó khăn, kinh nghiệm ở Hà Nội vẫn rất quý giá ở chỗ nó đã cung cấp cho hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, theo lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, “một sự thấu hiểu nhau hơn (và) các quan điểm mà hai bên đã có.”

Tuy nhiên, việc tránh đi vào "vết xe đổ" của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội là điều bắt buộc - và lúc đó, ngoại giao có lẽ sẽ không còn là một chiến lược cố định trong cuộc tranh luận nữa. Đàm phán vẫn tốt hơn là không đàm phán, và việc giữ cho Triều Tiên tiếp tục đàm phán luôn là điều có lợi.

Tuy nhiên, các cuộc gặp tiếp theo nên đạt được nhiều lợi ích tượng trưng hơn và nên “cất giữ” những lợi ích đã đạt được từ các cuộc gặp trước đó.

Các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên có lẽ sẽ được nối lại trong những tháng tới. Không bên nào loại trừ khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba. Tuy nhiên ai sẽ mở ra cánh cửa đối thoại trước vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ?

Triều Tiên đang tận dụng sự ngưng trệ bất định này để cải tổ đội ngũ đàm phán, mở rộng phạm vi ngoại giao với Trung Quốc và Nga, cũng như đánh giá lại chiến lược của họ, do đó, các bên liên quan nên lưu ý và thực hiện điều tương tự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục