Đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Vẫn "rối như mớ bòng bong"?

Việc Triều Tiên cho biết nước này thử một vũ khí tầm xa có khả năng làm gia tăng căng thẳng và mâu thuẫn với các báo cáo từ Hàn Quốc cũng như Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đã thử tên lửa tầm ngắn.
Đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Vẫn "rối như mớ bòng bong"? ảnh 1Bệ phóng tên lửa được vận hành trong cuộc diễn tập quân sự dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở phía Tây nước này ngày 9/5/2019. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

AFP đưa tin ngày 10/5, Triều Tiên cho biết nước này đã thử một vũ khí tầm xa.

Động thái này có khả năng làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và mâu thuẫn với các báo cáo từ Hàn Quốc cũng như Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đã thử tên lửa tầm ngắn.

Cụ thể, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát vụ thử vũ khí hôm 9/5.

KCNA thông báo: “Tại sở chỉ huy, Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un đã nghiên cứu một kế hoạch tập dượt cho một loạt phương tiện tấn công tầm xa và đã ra lệnh bắt đầu cuộc tập trận,” đồng thời khẳng định cuộc tập trận đã thành công.

KCNA không đưa tin chi tiết về loại vũ khí được thử nghiệm, đồng thời họ đã tránh sử dụng từ “tên lửa.”

Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều ngày càng căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/5 nói rằng ông nghĩ ông Kim Jong-un chưa sẵn sàng đàm phán phi hạt nhân hóa.

[Mỹ coi vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên là "rất bình thường"]

Tại New York, chính quyền liên bang cho biết một tàu chở hàng của Triều Tiên vừa bị bắt giữ vì vi phạm lệnh trừng phạt mà Liên hợp quốc áp đặt đối với chương trình hạt nhân của nước này.

Các quan chức cho biết tàu Wise Honest - một tàu chở hàng có tải trọng gần 18.000 tấn - đã chở than xuất khẩu đi các nước khác rồi mang các máy móc hạng nặng trở về Triều Tiên.

Trong một sự kiện tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết chính quyền Mỹ đang xem xét các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên “một cách rất nghiêm túc.”

Ông nói: “Chúng là những tên lửa nhỏ, những tên lửa tầm ngắn. Chẳng ai thấy vui vẻ vì điều đó. Mối quan hệ vẫn tiếp tục. Nhưng chúng ta sẽ thấy điều gì xảy ra. Tôi biết họ muốn đàm phán, họ đang nhắc đến việc đàm phán. Nhưng tôi cho rằng họ chưa sẵn sàng đàm phán."

Hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, mà gần đây nhất là một hội nghị tại Hà Nội hồi tháng 2/2019, đã không đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Vụ phóng tên lửa hôm 9/5 diễn ra sau khi Triều Tiên thực hiện một cuộc tập trận quân sự và phóng nhiều tên lửa hôm 4/5, với ít nhất một tên lửa được cho là thuộc loại tên lửa tầm ngắn.

Yếu tố phản kháng

Triều Tiên chưa hề phóng một tên lửa nào kể từ tháng 11/2017, thời điểm trước khi xuất hiện một sự "tan băng" ngoại giao nhanh chóng khiến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên giảm thiểu và mở đường cho cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa ông Kim Jong-un và ông Trump.

Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai tại Hà Nội đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký kết trong việc xóa bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, thậm chí một tuyên bố chung cũng không được đưa ra, khiến Triều Tiên vô cùng thất vọng.

Vụ thử tên lửa hôm 9/5 của Triều Tiên diễn ra vài giờ sau khi Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đến Seoul để thảo luận với các quan chức Hàn Quốc, chuyến đi đầu tiên của ông kể từ khi hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng động thái mới nhất này của Bình Nhưỡng có “yếu tố phản kháng và là một hành động gây áp lực để lái các thỏa thuận hạt nhân theo hướng mà họ mong muốn.”

Ông nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn đánh dấu 2 năm đầu cầm quyền: “Có vẻ như Triều Tiên rất khó chịu khi hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Dù ý định của Triều Tiên là gì đi chăng nữa, chúng tôi cảnh báo rằng ý định đó có thể khiến các cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn."

Triều Tiên “có vẻ đã phóng 2 tên lửa tầm ngắn” từ căn cứ Kusong ở tỉnh phía Bắc Pyongan, Tổng tham mưu trưởng liên quân của Seoul (JCS) cho biết trong một tuyên bố, cập nhật từ đánh giá trước đó cho rằng vụ phóng tên lửa xuất phát từ căn cứ Sino-ri cũng thuộc tỉnh Pyongan.

JCS cho biết thêm rằng các tên lửa đã bay về phía Đông khoảng 270km và 420km, đồng thời phía quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã cùng nhau phân tích chúng.

Bình Nhưỡng, Seoul và Washington đều đã kiềm chế không nói rõ vụ thử hôm 4/5 là một vụ thử tên lửa, thứ có thể gây nguy hiểm cho chính sách ngoại giao đang diễn ra nếu nó vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm chống lại công nghệ đạn đạo cũng như thông báo của ông Kim Jong-un về việc kết thúc một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa.

Các chuyên gia cho biết ít nhất một tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã được phóng đi hôm 4/5, với một báo cáo trên trang 38 North - chuyên phân tích và theo dõi tình hình Triều Tiên - nhấn mạnh rằng các mảnh vỡ còn lại sau vụ phóng cho thấy đây là một tên lửa Iskander được “nhập khẩu trực tiếp” từ Nga.

Báo cáo cho biết thêm rằng nếu Triều Tiên đã nhập khẩu Iskander từ Nga, "nước này có khả năng nhắm các đầu đạn tới các mục tiêu ở Hàn Quốc với độ chính xác cao."

Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un hồi năm 2018 chính là một “công cụ hạ nhiệt” căng thẳng, tuy nhiên kể từ hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Triều Tiên đã khiển trách Seoul đứng về phía Washington, khiến quan hệ liên Triều rơi vào tình trạng lấp lửng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục