Đàm phán TPP gặp trở ngại vì các bất đồng dai dẳng

Thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang gặp khó khăn do các nước vẫn còn nhiều bất đồng dai dẳng trong bối cảnh thời hạn cho việc ký kết thỏa thuận vào cuối năm đang tới gần.

Malaysia  mới đây đã thông báo sẽ nghiên cứu kỹ hơn về những lợi ích của việc tham gia TPP, một dấu hiệu cho thấy khả năng trì hoãn việc thông qua thỏa thuận. Trong khi đó, có những cảnh báo rằng việc Nhật Bản muốn đưa vào thỏa thuận các điều khoản về miễn thuế có thể khiến việc ký kết thỏa thuận sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang gặp khó khăn do các nước vẫn còn nhiều bất đồng dai dẳng trong bối cảnh thời hạn cho việc ký kết thỏa thuận vào cuối năm đang tới gần.

Vòng đàm phán thứ 19 về TPP, dự kiến diễn ra trong 9 ngày, đã bắt đầu từ ngày 22/8 tại Brunei với sự tham gia của đại diện 12 quốc gia.

Trong một diễn biến mới đây nhất tại Brunei, bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP đã nhất trí duy trì "can dự tích cực" trong thời gian từ nay cho tới khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

[Các nước đàm phán TPP họp thượng đỉnh vào 8/10]

Dự kiến, lãnh đạo 12 nước sẽ nhóm họp vào ngày 8/10 tại Bali (Indonesia), bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, sẽ chưa đạt được một thỏa thuận thương mại tự do khu vực ngay lập tức, song có thể đưa ra phác thảo cơ bản của thỏa thuận này.

Theo giới chức Nhật Bản, các cuộc đàm phán TPP đề cập tới 21 lĩnh vực, nhưng vòng đàm phán mới nhất này chỉ tập trung vào 10 lĩnh vực, trong đó vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp quốc doanh và thuế quan.

Bên cạnh cuộc họp chính thức của toàn khối, các Bộ trưởng và quan chức cấp bộ trưởng của Mỹ và các nước thành viên TPP khác cũng tổ chức các phiên họp song phương. Dự kiến, các nước thành viên sẽ đưa ra những yêu cầu và đề nghị của mình liên quan đến vấn đề thuế quan trong các phiên họp này.

Tại vòng đàm phán này, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Mustapa Mohamad đã nêu lên một số quan ngại, trong đó có đề xuất về việc việc nới lỏng kiểm soát đối với các doanh nghiệp nhà nước. Ông cũng nói rằng Malaysia sẽ không thay đổi chính sách ưu tiên cho người Mã lai khi phê chuẩn các hợp đồng, điều đã gây cản trở cho một số nhà đầu tư và là điểm vướng mắc trong các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Các quan chức Malaysia đang đứng trước sức ép gia tăng ở trong nước trong việc từ bỏ thương lượng TPP. Nước này mới đây đã thông báo sẽ nghiên cứu kỹ hơn về những lợi ích của việc tham gia TPP, một dấu hiệu cho thấy khả năng trì hoãn việc thông qua thỏa thuận.

Trong khi đó, có những cảnh báo rằng việc Nhật Bản muốn đưa vào thỏa thuận các điều khoản về miễn thuế có thể khiến bất kỳ thỏa thuận nào đạt được sẽ không được như kỳ vọng và việc ký kết thỏa thuận sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Với 128 triệu người tiêu dùng, Nhật Bản là thị trường lớn với các công ty nước ngoài, song có những phàn nàn gần đây rằng nước này đã dựng lên các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để gây trở ngại cho hàng nhập khẩu. Ôtô, y tế, bảo hiểm và nông nghiệp là những lĩnh vực đang được Nhật Bản bảo vệ.

Trước sự căng thẳng đó, Đại diện Thương mại Mỹ, Michael Froman, đã đứng ra đảm bảo rằng chừng nào các bên chưa sẵn sàng, nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ không ép buộc một quốc gia nào chấp nhận thỏa thuận.

Ý kiến này đã được ông nhấn mạnh rõ ràng trong buổi họp báo bế mạc phiên họp của các Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP.

Ông khẳng định trước hết, không có chuyện áp đặt mô hình của Mỹ lên các nước khác, bởi đây là một cuộc đàm phán có liên quan đến 12 quốc gia được mời họp lại để cùng nhau làm việc về khá nhiều vấn đề quan trọng.

Các nước tham gia đàm phán TPP đang nỗ lực hướng tới một FTA toàn diện và tham vọng nhất thế giới vào cuối năm nay, ba năm kể từ khi các cuộc đàm phán được khởi động từ năm 2010.

Nếu được thành lập, TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.

Sau khi được thành lập, TPP sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn để thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, hướng tới việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTA) châu Á-Thái Bình Dương./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục