Đàm phán với Pháp - lối thoát Brexit của Theresa May?

Thủ tướng Anh đã rút ngắn kỳ nghỉ Hè để tìm cách thuyết phục Tổng thống Macron, người được giới chức Anh xem là trở ngại lớn nhất đối với các kế hoạch của bà May, sẽ dịu giọng trong vấn đề Brexit.
Đàm phán với Pháp - lối thoát Brexit của Theresa May? ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc gặp tại Bormes-les-Mimosas, miền nam nước Pháp ngày 3/8. Ảnh: (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo The Guardian, những hy vọng của Thủ tướng Anh Theresa May về việc thuyết phục Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ kế hoạch Brexit - việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - mà bà vừa cùng nội các thông qua ở Chequers có vẻ không mấy sáng sủa trước thềm cuộc thảo luận song phương ngày 3/8 tại Fort de Brégançon.

Các nguồn tin cấp cao cho rằng dù nhà lãnh đạo Pháp là người rất khó lay chuyển song nếu Thủ tướng May thành công, ảnh hưởng của ông Macron sẽ có tác động rất lớn đối với phần còn lại của EU.

Thủ tướng Anh đã rút ngắn kỳ nghỉ Hè của mình tại Italy để tìm cách thuyết phục Tổng thống Pháp Macron, người được giới chức Anh xem là trở ngại lớn nhất đối với các kế hoạch của bà May, sẽ dịu giọng trong vấn đề Brexit.

Một nguồn tin từ chính phủ Anh nói rằng Pháp thậm chí còn là nhân tố “gây khó chịu” nhất của EU 27 thành viên trong các cuộc thảo luận đa phương.

Nhà đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier được cho là khó có khả năng thay đổi lập trường của mình trừ phi các cường quốc EU có được một sự đồng thuận nào đó.

Một nguồn tin chính phủ Anh tiết lộ: “Pháp nói không với tất cả, và với cả những điều quan trọng nhất, vì vậy nếu bà May có thể xoay chuyển được ông ấy thì (chúng tôi) mới có thể có những tác động tích cực tới các cuộc đàm phán.”

Một bộ trưởng khác cho rằng các cuộc thảo luận giữa Anh và Pháp trong ngày 3/8 là rất quan trọng bởi “thực tế Pháp có thể là trở ngại lớn nhất, song cũng có thể là nhân tố đưa các cuộc đàm phán quay trở lại lộ trình. Rất nhiều điều phụ thuộc vào cuộc gặp này.”

Trong ngày 3/8, Thủ tướng Anh Theresa May đã có cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron tại khu nhà nghỉ của ông Macron ở miền Nam nước Pháp để bàn về Brexit. Cùng lúc đó, Ngoại trưởng Anh, Jeremy Hunt và Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh là Dominic Raab cũng đã có các cuộc tiếp xúc với các Ngoại trưởng Pháp và Áo nhằm thuyết phục các nước này giảm bớt các quan điểm cứng rắn trong đàm phán Brexit.

Theo dự kiến, các cuộc đàm phán về Brexit sẽ được nối lại vào ngày 13/8 tới và mục tiêu phía Anh đưa ra là đạt được các đột phá trước thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào cuối tháng 10/2018.

Dù chính quyền tại Pháp không hoàn toàn phản đối kế hoạch mới nhất của Anh song họ có những hoài nghi sâu sắc và đã nêu lên các lo ngại về hợp tác an ninh, về dự án không gian Galileo và các dịch vụ tài chính.

Anh đã thúc đẩy một chiến dịch ngoại giao nhằm thuyết phục các đối tác Pháp. Bộ trưởng Thương mại Greg Clark, Ngoại trưởng Jeremy Hunt, và Bộ trưởng Brexit Dominic Raab đều đã gặp những người đồng cấp Pháp trong tuần qua.

Đây là một phần trong chiến lược nhằm giành được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Ủy ban châu Âu và tiếp xúc trực tiếp với giới cầm quyền khu vực.

Các Bộ trưởng Anh cho rằng Đức tỏ ra khá cởi mở với việc hạ giọng trong cách xử lý vấn đề Brexit của EU, với việc Thủ tướng Angela Merkel đã nhất trí cho phép ông Barnier có quyền thúc đẩy thỏa thuận sau cuộc gặp được đánh giá là khá xây dựng với Thủ tướng May.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề đối nội. Một nguồn tin trong nội các Anh nói: “Người Đức nói khá rõ rằng họ muốn xúc tiến một thỏa thuận. Các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng May với bà Merkel đều mang tính xây dựng. Hà Lan cũng giúp ích khá nhiều. Chỉ có Pháp là thường xuyên dội gáo nước lạnh vào tất cả những gì mà Anh muốn. Không có quốc gia nào lại khó chịu đến như vậy. Vì vậy cuộc gặp (giữa Anh và Pháp) là cực kỳ quan trọng.”

Ngày 2/8, người phát ngôn của Tổng thống Pháp cho biết ông Macron hoàn toàn tin tưởng nhà đàm phán Barnier và ủng hộ lập trường cứng rắn của ông đối với kế hoạch mà Anh đề ra.

[Brexit đang "bóp nghẹt" chính trường Anh và Thủ tướng Theresa May]

Quan chức này nhấn mạnh: “(Cuộc gặp ngày 3/8) không thể thay thế cho các cuộc đàm phán mà ông Michel Barnier dẫn đầu.” Tuy nhiên, các Bộ trưởng Anh cho rằng nếu Tổng thống Macron cũng tỏ ra mềm mỏng hơn như bà Merkel, ông Barnier - người nhận chỉ đạo từ các chính phủ EU, cũng có thể có cách tiếp cận linh hoạt hơn.

Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ Anh lại phủ nhận thông tin cho rằng Thủ tướng May sẽ tìm cách thuyết phục ông Macron thay đổi so với lập trường chung của EU.

Quan chức này nhấn mạnh: “Đó là một quan điểm, song không phải là điều chúng tôi làm.” Dù vậy, nhiều nguồn tin vẫn khẳng định đó chính là chiến lược mà Anh đang thực hiện.

Lord Ricketts, Đại sứ Anh tại Pháp giai đoạn 2012-2016 nói với phóng viên hãng tin BBC rằng ông không lạc quan về khả năng Macron sẽ thay đổi lập trường chung, bởi: “Thứ nhất ông ấy không cho rằng dịu giọng là việc nên làm. Ông ấy là một người rất ủng hộ ý tưởng hội nhập châu Âu. Thứ hai, ông ấy sẽ là người cuối cùng rời bỏ điều được xem là phản ánh cho tính kỷ luật và đoàn kết cao độ của EU. Chúng ta cần phải chấp nhận sự thật là chúng ta sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong các cuộc đàm phán ở Brussels.” 

Một nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết các nước EU đã bắt đầu cảnh giác trước nguy cơ hai bên không đạt được thỏa thuận khi hạn chót ngày càng tới gần và những rủi ro mà hệ quả này có thể gây ra cho nền kinh tế khu vực nói chung và Anh nói riêng.

Tuy nhiên, ông Ricketts cũng cho rằng những đe dọa của Anh về nguy cơ hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào sau Brexit khó có thể thuyết phục được các láng giềng châu Âu thay đổi lập trường cứng rắn của mình.

Bruno Bonnell, một thành viên trong đảng La République En Marche (Nền Cộng hòa Tiến bước) của Tổng thống Macron cho biết Pháp chuẩn bị có một cuộc cải tổ kinh tế để bảo vệ thị trường chung EU và các thể chế khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục