Đậm sắc màu truyền thống tại Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội

Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội 2014 với chủ đề “Tinh hoa hội tụ," nhằm tôn vinh nghề và làng nghề thủ công truyền thống, khơi dậy và phát triển tiềm năng du lịch làng nghề Hà Nội.
Đậm sắc màu truyền thống tại Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội ảnh 1Khách tham quan các gian hàng truyền thống tham gia liên hoan. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tối 9/10, Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội 2014 với chủ đề “Tinh hoa hội tụ," chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô đã tưng bừng diễn ra tại Cung Thể thao Quần Ngựa, nhằm tôn vinh nghề và làng nghề thủ công truyền thống, khơi dậy và phát triển tiềm năng du lịch làng nghề Hà Nội.

Tôn vinh văn hóa truyền thống làng nghề

Hà Nội là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống, với bề dày lịch sử hàng trăm năm, gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long-Hà Nội. Nói đến làng nghề Hà Nội, không ai không biết tới gốm Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, khảm trai Chuôn Ngọ, thêu Quất Động, lược sừng Thụy Ứng… Và cả hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ đã được Nhà nước và thành phố tôn vinh bởi những tài năng, tâm huyết trong việc bảo tồn nghề truyền thống.

Tham dự liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội năm nay có gần 400 gian hàng triển lãm của các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân nổi tiếng ở Hà Nội. Làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông) mang đến sản phẩm lụa tơ tằm, làng nghề Xuân La (huyện Phú Xuyên) mang đến sản phẩm tò he, tranh tò he, làng nghề Quất Động (huyện Thường Tín) mang đến sản phẩm tranh thêu và các nghệ nhân mang đến sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, cói, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng… Nhiều làng nghề “khoe” những sản phẩm tinh xảo, có thiết kế độc đáo được tạo nên bởi đôi tay khéo léo của người thợ thủ công. Thậm chí có sản phẩm phải mất 3-4 tháng mới hoàn thiện hoặc có sản phẩm phải huy động nhiều thợ thủ công cùng tham gia.

Nghệ nhân ưu tú Thái Văn Bôn, làng nghề thêu Quất Động mang đến liên hoan rất nhiều tranh thêu do chính ông và gia đình làm. Nhìn những bức tranh của nghệ nhân người ta có thể cảm nhận được sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân cũng như tình yêu quê hương, yêu cuộc sống, yêu nghề của ông. Nghệ nhân cho rằng: “Làng nghề truyền thống Hà Nội rất phong phú với nhiều nhóm nghề, mang nhiều nét tinh tế, độc đáo của văn hóa Việt Nam. Tôi tham gia liên hoan này không phải mục đích bán hàng mà quan trọng là quảng bá nét văn hóa độc đáo đến với người dân và du khách."

Sinh ra và lớn lên ở làng dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, bà Phan Thị Thuận là đời thứ ba trong gia đình làm nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Bằng niềm say mê nghề truyền thống, bà đã nghiên cứu tự sáng tạo ra mền bông tơ tằm tự dệt và là sản phẩm độc đáo ở Việt Nam. Cũng như nghệ nhân Thái Văn Bôn, bà Phan Thị Thuận mong muốn qua liên hoan, sản phẩm thủ công quê bà được nhiều người biết đến hơn nữa.

Tại liên hoan, các nghệ nhân cũng trình diễn thao tác tay nghề nhằm giới thiệu đến người xem quy trình làm nghề để họ hiểu và trân trọng nghề của cha ông để lại.

Cùng với giới thiệu văn hóa làng nghề, Ban tổ chức liên hoan cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhiều trò chơi dân gian truyền thống, ẩm thực tạo thêm sắc màu văn hóa cho liên hoan.

Kết nối, phát triển du lịch làng nghề truyền thống

Một điểm mấu chốt của liên hoan năm nay là thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề Hà Nội, một tiềm năng chưa được khai thác tốt trong thời gian qua. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tìm hiểu về sản phẩm nghề và làng nghề, tăng cường mối liên kết giữa hai lĩnh vực du lịch và làng nghề Hà Nội.

Theo đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, phát triển du lịch làng nghề đang là hướng đi đúng để bảo tồn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Tại liên hoan, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn và hàng không cũng phối hợp giới thiệu, chào bán các chương trình du lịch kích cầu cũng như các tour chuyên đề về phố nghề, làng nghề của Hà Nội đối với du khách đến tham quan liên hoan.

Bà Lê Quỳnh Phương, đại diện Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội, cho biết Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng du lịch làng nghề, trong đó một số làng nghề tiêu biểu được đưa vào khai thác xây dựng tour du lịch, phát huy tốt hiệu quả. Thời gian qua, Vietravel Hà Nội thường xuyên đưa khách đến làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc tham quan, mua sắm tạo ấn tượng tốt đối với du khách. “Qua liên hoan này chúng tôi hy vọng các công ty du lịch có thêm cơ hội tìm hiểu đưa thêm điểm làng nghề vào xây dựng sản phẩm du lịch của mình,” bà Lê Quỳnh Phương chia sẻ.

Đối với các làng nghề cũng như các nghệ nhân, thợ thủ công, liên hoan không chỉ là nơi người ta giới thiệu sản phẩm truyền thống mà còn hiểu hơn tâm lý khách hàng để có những sáng tạo mới về sản phẩm. Họ cũng hy vọng du lịch và làng nghề có sự kết nối chặt chẽ để sản phẩm thủ công truyền thống thêm cơ hội đến với du khách, văn hóa làng nghề được quảng bá rộng rãi và hơn nữa là góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Hiệp hội làng nghề Hà Nội cũng quán triệt đến hội viên tham gia liên hoan không chỉ bày bán sản phẩm mà làm thế nào phối hợp với du lịch để phát triển du lịch làng nghề.

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc: “Du lịch làng nghề truyền thống Thủ đô chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa hình thành được những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách. Vì vậy, việc tiếp tục phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ, các chương trình phát triển làng nghề truyền thống là việc làm thường xuyên, là động lực thúc đẩy du lịch và làng nghề cùng phát triển."

Liên hoan diễn ra đến hết ngày 12/10. Ban tổ chức liên hoan sẽ tổng kết, đánh giá, khen thưởng và tôn vinh các nghệ nhân, làng nghề, đơn vị, tổ chức đã có thành tích tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục