Dân cư bức xúc vì Keangnam "khóa" hết lối về nhà

Vô hiệu hóa thẻ từ thang máy, cắt điện, khóa thang thoát hiểm, Keangnam khiến hàng trăm người lâm cảnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập."
Cho rằng việc các hộ dân chưa đóng phí dịch vụ là vi phạm hợp đồng, trưa nay, Ban quản lý tòa nhà cao nhất Việt Nam, Keangnam Landmark Tower đã đơn phương “khóa” hàng trăm thẻ từ nhằm vô hiệu hóa hệ thống thang máy của các hộ dân này buộc họ phải đi bộ. Chưa dừng lại ở đó, đến giữa giờ chiều, ngay cả hệ thống thang thoát hiểm và cầu thang bộ cũng bị khóa trái. Hàng trăm con người vẫn loay hoay không có cách nào để về được chính căn hộ của mình. Hành động này của phía chủ đầu tư một lần nữa lại khiến bầu không khí ở Keangnam dậy sóng. Như Vietnam+ đã đưa tin, hồi giữa tháng 7/2011, sau khi vấp phải sự đấu tranh của cộng đồng dân cư tại tòa nhà cao nhất Việt Nam, phía chủ đầu tư Keangnam Vina đã chấp nhận hạ giá một loạt các dịch vụ. Trước đó, Keangnam đã tự áp đặt mức phí 0,99 USD/m2 (tương đương khoảng 21.000 đồng/USD). Sau đó, từ ngày 12/7, chủ đầu tư đã buộc phải giảm xuống 17.130 đồng/m2 (chưa VAT) nhưng cư dân vẫn chưa chấp nhận mức này. Người dân cho biết phí dịch vụ như vậy vẫn là quá đắt đỏ và không tương xứng với những dịch vụ mà họ đang “phải” đón nhận. Bức xúc trước thái độ áp đặt mức phí quản lý trên trời, nhiều cư dân Keangnam đã không đồng ý đóng phí. Ngay lập tức, vào ngày 21/11 vừa qua, Keangnam đã ra “tối hậu thư” thông báo nếu cư dân không đóng mức phí trên, chủ đầu tư sẽ cắt các tiện ích công cộng trong đó có thang máy. Bà Trịnh Thúy Mai, trưởng Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam cho biết, sau khi dán thông báo,  từ ngày 26/11, phía chủ đầu tư Keangnam đã cho tháo gỡ rất nhiều bóng đèn to nhỏ tại các sảnh, hành lang, lối ra hầm đỗ xe, bên trong hầm đỗ xe, các khu vui chơi sinh hoạt công cộng, đèn chiếu sáng sân vườn... khiến các vị trí này rơi vào cảnh tranh tối, tranh sáng. Đến khoảng 12 giờ trưa nay, ngày 3/12, hàng trăm người dân sinh sống tại tòa nhà cao nhất Việt Nam không khỏi ngỡ ngàng vì thẻ từ dùng cho thang máy của mình không thể hoạt động. Quá bất bình vì cách hành xử “thiếu nhân văn” này của chủ đầu tư, hàng trăm người đã tập trung dưới sảnh tòa tháp A phản đối dữ dội. Hàng trăm tờ rơi được dán lên khắp nơi với các nội dung: "Chúng tôi phải được về nhà"; "Hãy trả lại thang máy cho cư dân"; "Dịch vụ thấp, giá trên trời"; "Công lý ở đâu? Sao Keangnam có thể làm vậy".... Bác Trần Xuân Trạch, tổ trưởng tổ dân phố tại đây bức xúc: “Tôi muốn lên nhà mình bây giờ cũng không thể được vì thẻ từ đã bị khóa. Keangnam Vina làm như vậy là không thể chấp nhận được. Họ thể hiện thái độ vô trách nhiệm và thiếu tôn trọng cộng đồng dân cư.”
Dân cư bức xúc vì Keangnam "khóa" hết lối về nhà ảnh 1
Ngỡ ngàng vì thẻ từ bị khóa (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Nhiều người có việc phải lên căn hộ của mình cũng “bó tay” vì toàn bộ hệ thống thẻ từ đã bị ban quản lý tòa nhà vô hiệu hóa, hạn chế chỉ cho chủ nhà xuống tầng mà không thể đi lên được. Chị Minh Thảo, một cư dân sống trên tầng 48 [tầng cao nhất của tòa tháp A – PV] không giấu nổi sự bực mình. Chị thẳng thắn: “Chúng tôi mua nhà ở Keangnam với giá tiền rất cao với hy vọng sẽ được hưởng những tiện ích tốt. Tuy nhiên, đến ngay cả thang máy cũng bị ‘khóa’ không cho dùng thì không thể tin được.” Chị cho biết thêm, theo tính toán chưa đầy đủ, khoảng gần 400 hộ dân đã bị Ban quản lý tòa nhà và chủ đầu tư đơn phương tước đoạt quyền đi lại như gia đình chị. Nhiều người trong số đó thậm chí còn mang bầu rất lớn như chị Trần Thị Hoài Phương (căn hộ số 1101). “Cắt thang máy nghĩa là buộc chúng tôi phải leo bộ mấy chục tầng để lên nhà mình. Đây là điều quá vô lý. Tòa nhà có hàng trăm  vì khi chúng tôi không mua nhà mà không có thang máy,” chị Thảo khẳng định. Điều gây bức xúc nhất, theo đại diện các hộ dân sinh sống tại đây là, tại tòa nhà có hàng trăm người già, trẻ nhỏ và người yếu ốm. Chủ đầu tư cắt thang máy, có nghĩa là hàng ngày, bằng đấy con người sẽ phải còng lưng, leo đến hàng chục tầng mới có thể vào được nhà mình. "Lúc mua chủ đầu tư hứa hẹn đủ thứ nhưng khi người dân về ở thì sân chơi trẻ em, bể bơi và hệ thống an ninh không được đảm bảo đúng như cam kết. Thậm chí, đến giờ chúng tôi phải leo hàng chục mét để lên nhà mình. Đây là sự lạ chắc duy nhất chỉ có ở tòa nhà cao nhất Việt Nam,” một cư dân chua chát nói. Không chỉ “cấm vận” thang máy, đến đầu giờ chiều cùng ngày, thậm chí ngay cả hệ thống thang bộ thoát hiểm cũng bị khóa trái lại. Toàn bộ gần 400 hộ dân rơi vào cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập.”
Dân cư bức xúc vì Keangnam "khóa" hết lối về nhà ảnh 2
Khóa thẻ từ chưa đủ, Ban quản lý khóa luôn cả cửa thang bộ thoát hiểm (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
“Tôi gọi điện về, người giúp việc cho biết các cháu nhỏ đang rất hoảng sợ. Với tình trạng này, nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì không biết hậu quả sẽ ra sao,” anh Hải, một cư dân sống tại tòa nhà bất bình. Đáng nói hơn, không chỉ “khóa” lối về của dân cư, phía Keangnam còn tiến hành cắt điện đối với các hộ dân không đóng phí dịch vụ. Khó hiểu hơn, một số hộ đã đóng tiền điện cũng bị cắt không lý do. Cầm trên tay hóa đơn tiền điện nộp ngày 22/11/2011, anh Hùng chủ căn hộ B 1606 gay gắt: “Khi mang hóa đơn đến hỏi thì ban quản lý bảo họ nhầm. Tôi không thể chấp nhận cách giải thích vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết như vậy được.” Với mong muốn được gặp ban quản lý tòa nhà và tìm giải pháp cho những bức xúc của mình, đến khoảng 14 giờ chiều nay, hàng trăm người đã tiếp tục kéo đến văn phòng của Chetsnut Vina, đơn vị quản lý và vận hành của tòa nhà để đối thoại. Tuy nhiên, tại đây, những người Hàn Quốc có trách nhiệm lại tìm cách né mặt. Căng thẳng giữa hai bên được đẩy lên cao khi lãnh đạo Chestnut bỏ ra lối đi phía sau. Cộng đồng dân cư đã buộc phải yêu cầu họ phải quay lại để làm việc với ban đại diện lâm thời. Đại diện cư dân còn mang cả loa cơ lớn đến để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng nhiệm vụ cung cấp đầy đủ phí dịch vụ. Khoảng một tiếng sau, công an huyện Từ Liêm đã có mặt nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Một số cư dân mang nước uống và trải chiếu xuống tận phòng ban quản lý để "ngủ nhờ" nếu không cấp quyền ra vào thang máy. Thậm chí một số người còn mang cả bếp lò cùng than tổ ong đặt ngay tại sảnh ra vào của tháp A và B. Nhiều người đi đường hiếu kỳ dừng lại xem.
Dân cư bức xúc vì Keangnam "khóa" hết lối về nhà ảnh 3
Bức xúc, cư dân mang... bếp lò vào phòng làm việc ban quản lý tòa nhà phản đối
Cư dân Keangnam yêu cầu được đối thoại với ông Ha Jong Suk - chủ tịch Keangnam Vina để được ông Ha “giải thích” về hành động lần này. Đại diện dân cư cũng cho hay, nguyện vọng của cộng đồng là phía Keangnam phải khôi phục hệ thống thang máy, đảm bảo cuộc sống bình thường của đại đa số dân cư. “Chúng tôi không thể chấp nhận được cách làm thiếu văn hoá và bất chấp pháp luật của ban quản lý cũng như chủ đầu tư. Họ cắt thang máy không khác gì hành động đuổi chúng tôi, chủ nhân hợp pháp ra khỏi nhà của chính mình. Cư dân đã chuẩn bị mọi đồ dùng sinh hoạt cần thiết để ngủ lại sân, phòng làm việc của toà nhà trong đêm nay để phản đối,” ông Trần Xuân Trạch cho biết. Đến 17 giờ cùng ngày, hệ thống cầu thang vẫn chưa được Ban quản lý mở lại, cư dân vẫn tiếp tục “đấu tranh” tại nơi làm việc của công ty Chestnut Vina. Công an đồn số 1 huyện Từ Liêm đã có mặt giảng hòa hai bên song tính đến cuối giờ chiều nay, chủ đầu tư mới chỉ cho mở 2 tháng máy chở hàng để cư dân được đi lại. Tuy nhiên, phía cư dân Keangnam chưa chấp thuận cách giải quyết này. Đại diện người dân cho hay, chủ đầu tư phải cấp lại quyền sử dụng của tất cả thẻ thang máy cho khách hàng bởi "khi mua căn hộ, họ không chỉ mua mỗi nhà mà còn bao gồm cả phương tiện di chuyển là thang máy." "Chúng tôi sẽ làm việc với luật sư để đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng dân cư," ông Trần Xuân Trạch, tổ trưởng tổ dân phố nhấn mạnh. Cho đến 18 giờ, cộng đồng dân cư vẫn tập trung rất đông tại trụ sở Chestnut để đợi chờ câu trả lời từ phía chủ đầu tư cũng như ban quản lý. Vietnam+ sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc những diễn biến mới nhất về sự việc này./.
Trong thư phúc đáp gửi khách hàng, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Keangnam Vina cho hay, trong điều 8.2 khoản B của các điều khoản chung có nêu rõ: Ban quản lý có thể ngừng cấp nước, điện, bảo trì và dịch vụ quản lý (trong đó có thang máy) cho đến khi người chủ căn hộ hoặc người sử dụng khác thanh toán các khoản phí.

Tuy nhiên, đại diện cư dân Keangnam cho hay, hiện mức phí dịch vụ chủ đầu tư đưa ra cao gấp 4,5 lần mức quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Trong khi đó, theo quy định mới về mức giá trần dịch vụ nhà chung cư, với những trường hợp cao hơn hoặc thấp hơn mức giá đã ban hành thì giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ có trách nhiệm thỏa thuận với nhau theo đúng các quy định hiện hành.

Vì vậy, theo các dân cư, khi chưa thống nhất được mức phí, hành động cắt thang máy của Keangnam đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.
Sơn Bách - Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục