Dân Guatemala nhất trí đưa tranh chấp lãnh thổ với Belize ra ICJ

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ của Tòa Bầu cử tối cao Guatemala cho biết đa số công dân nước này đã nhất trí về việc đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Belize ra Tòa án Công lý quốc tế.
Dân Guatemala nhất trí đưa tranh chấp lãnh thổ với Belize ra ICJ ảnh 1(Nguồn: lonelyplanet)

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ của Tòa Bầu cử tối cao Guatemala ngày 16/4, cho biết đa số công dân nước này tham gia cuộc trưng cầu ý dân đã nhất trí về việc đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo với Belize ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).

Trước đó, ngày 15/4, gần 2 triệu công dân Guatemala (tương đương 26,33% dân số) đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân theo lời kêu gọi của Chính phủ để tìm giải pháp chấm dứt cuộc tranh chấp chủ quyền với Belize đối với phần lãnh thổ mà nước này bị mất khi còn là thuộc địa của Tây Ban Nha.

Bộ Ngoại giao Guatemala cho biết sẽ thông báo chính thức cho Chính phủ Belize về quyết định của người dân nước này đối với vấn đề trên sau khi có kết quả trưng cầu ý dân.

[Nhật Bản cam kết thúc đẩy đàm phán về tranh chấp lãnh thổ với Nga]

Trong khi đó, Phó Tổng thống Guatemala Jafeth Cabrera cho hay phía Belize đã cam kết tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề này vào tháng tới.

Trong trường hợp người dân Belize không ủng hộ việc đưa tranh chấp chủ quyền ra ICJ, chính phủ nước này sẽ phải tìm kiếm một cơ chế pháp lý khác để giải quyết vấn đề trên tại ICJ vì trước đó Belize và Guatemala đã ký một thỏa thuận liên quan hồi năm 2008.

Ngược lại, nếu trưng cầu ý dân tại Belize đạt được sự đồng thuận, hai nước sẽ ký một bản cam kết chung. Khi đó, Guatemla sẽ có 12 tháng để đưa nộp đơn kiện ra ICJ và Belize có thời gian tương ứng để phản bác, và ICJ sau đó sẽ phải mất từ 2-3 năm để đánh giá các chứng cứ của hai bên và đưa ra phán quyết.

Sau khi đưa ra phán quyết trên, ICJ có thể cho phép 2 nước trình bày các lập luận bổ sung theo yêu cầu của bất kỳ nước nào. Trước khi kết thúc quá trình này, các bên phải ký một văn bản "cam kết" chấp nhận và tuân thủ phán quyết của ICJ.

Trước khi ICJ đưa quyết định cuối cùng, trong vòng 3 tháng, hai nước phải thành lập một ủy ban song phương về phân định ranh giới.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận trong ủy ban này, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) sẽ phải can thiệp để chỉ định một ủy ban riêng về phân định ranh giới lãnh thổ giữa hai nước. Sau đó, ICJ sẽ ra phán quyết cuối cùng và hai bên phải tuân thủ.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Guatemala và Belize xuất phát từ 150 năm trước. Phía Guatemala yêu cầu Belize trả lại 12.272 km2 lãnh thổ bị mất dưới thời thuộc địa Tây Ban Nha, tuy nhiên Belize đã không đáp ứng yêu cầu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục