Ngày 28/9, hơn 30.000 thành viên của hai tổ chức công đoàn lớn nhất Italy đã xuống đường tuần hành tại thủ đô Rome để phản đối những cắt giảm chi tiêu công của Chính phủ do Thủ tướng Mario Monti đứng đầu.
Đây là dấu hiệu cho thấy làn sóng phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ Monti nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang gia tăng trong bối cảnh suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn và tỷ lệ thất nghiệp lên cao.
Cuộc biểu tình nói trên, với thành phần tham dự chủ yếu là người lao động thuộc khu vực công, xảy ra tiếp sau các cuộc đụng độ giữa người biểu tình phản đối thắt lưng buộc bụng và cảnh sát ở Madrid (Tây Ban Nha) và Athens (Hy Lạp) trong tuần này.
Các nhân viên tại hai điểm du lịch chính ở thủ đô Rome là Đấu trường La Mã và Diễn đàn La Mã đã nghỉ việc trong ngày 29/8 khiến hai địa điểm này phải đóng cửa. Giao thông bị tắc nghẽn trong nhiều giờ vào buổi sáng, nhưng cuộc biểu tình đã diễn ra trong hòa bình. Nhiều giáo sư đại học, nhân viên hành chính công, công nhân vệ sinh và các nhân viên y tế cũng ngừng làm việc để tỏ thái độ ủng hộ cuộc biểu tình.
Hồi tháng Tám, Quốc hội Italy đã thông qua lần cuối kế hoạch cắt giảm chi tiêu công mới trị giá 26 tỷ euro (32,3 tỷ USD) trong ba năm do Chính phủ của Thủ tướng Monti đưa ra hôm 5/7, trong đó có việc cắt giảm 10% đội ngũ công nhân viên chức thuộc khu vực nhà nước. Theo kế hoạch này, phần lớn khoản chi tiêu phải cắt giảm là trong ngân sách dành cho y tế và hành chính công, theo đó các bệnh viện địa phương sẽ phải giảm 7.000 giường bệnh vào những tháng tới.
Cũng theo kế hoạch trên, số cán bộ quản lý thuộc khu vực nhà nước sẽ giảm 20% và đội ngũ công nhân viên bình thường trong khu vực này cũng giảm 10%, nhằm tiết kiệm được 4,5 tỷ euro trong năm nay, 10,5 tỷ euro năm 2013 và 11 tỷ euro năm 2014.
Với kế hoạch cắt giảm chi tiêu này, Italy có thể tránh được việc tăng thuế VAT từ 21 lên 23% vào tháng 10 tới, động thái mà nhiều nhà kinh tế cho là phản tác dụng vì nó sẽ làm giảm nhu cầu trong nước trong bối cảnh kinh tế đang suy sụp.
Các số liệu chính thức do Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 10/9 cho thấy, trong giai đoạn từ tháng Sáu đến tháng Tám, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã sụt giảm 0,8%. So với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế của Italy đã bị sụt giảm 2,6% và mức sụt giảm này được coi là tồi tệ nhất kể từ năm 2009.
Kinh tế Italy tính đến thời điểm này đã bước vào quý bị sụt giảm thứ năm giữa lúc những cắt giảm chi tiêu mạnh tay của chính phủ nhằm hạ thấp khoản nợ công khổng lồ khoảng 1.900 tỷ euro đã kìm hãm chi tiêu tiêu dùng và gây nên những cú sốc cho nền kinh tế.
GDP của Italy đã bị sụt giảm lần lượt là 0,7% trong quý hai năm nay, 0,8% trong quý một năm nay, 0,7% trong quý 4/2011 và 0,2% trong quý 3/2011. Đây là đợt suy thoái kinh tế thứ tư của Italy kể từ năm 2001./.
Đây là dấu hiệu cho thấy làn sóng phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ Monti nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang gia tăng trong bối cảnh suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn và tỷ lệ thất nghiệp lên cao.
Cuộc biểu tình nói trên, với thành phần tham dự chủ yếu là người lao động thuộc khu vực công, xảy ra tiếp sau các cuộc đụng độ giữa người biểu tình phản đối thắt lưng buộc bụng và cảnh sát ở Madrid (Tây Ban Nha) và Athens (Hy Lạp) trong tuần này.
Các nhân viên tại hai điểm du lịch chính ở thủ đô Rome là Đấu trường La Mã và Diễn đàn La Mã đã nghỉ việc trong ngày 29/8 khiến hai địa điểm này phải đóng cửa. Giao thông bị tắc nghẽn trong nhiều giờ vào buổi sáng, nhưng cuộc biểu tình đã diễn ra trong hòa bình. Nhiều giáo sư đại học, nhân viên hành chính công, công nhân vệ sinh và các nhân viên y tế cũng ngừng làm việc để tỏ thái độ ủng hộ cuộc biểu tình.
Hồi tháng Tám, Quốc hội Italy đã thông qua lần cuối kế hoạch cắt giảm chi tiêu công mới trị giá 26 tỷ euro (32,3 tỷ USD) trong ba năm do Chính phủ của Thủ tướng Monti đưa ra hôm 5/7, trong đó có việc cắt giảm 10% đội ngũ công nhân viên chức thuộc khu vực nhà nước. Theo kế hoạch này, phần lớn khoản chi tiêu phải cắt giảm là trong ngân sách dành cho y tế và hành chính công, theo đó các bệnh viện địa phương sẽ phải giảm 7.000 giường bệnh vào những tháng tới.
Cũng theo kế hoạch trên, số cán bộ quản lý thuộc khu vực nhà nước sẽ giảm 20% và đội ngũ công nhân viên bình thường trong khu vực này cũng giảm 10%, nhằm tiết kiệm được 4,5 tỷ euro trong năm nay, 10,5 tỷ euro năm 2013 và 11 tỷ euro năm 2014.
Với kế hoạch cắt giảm chi tiêu này, Italy có thể tránh được việc tăng thuế VAT từ 21 lên 23% vào tháng 10 tới, động thái mà nhiều nhà kinh tế cho là phản tác dụng vì nó sẽ làm giảm nhu cầu trong nước trong bối cảnh kinh tế đang suy sụp.
Các số liệu chính thức do Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 10/9 cho thấy, trong giai đoạn từ tháng Sáu đến tháng Tám, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã sụt giảm 0,8%. So với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế của Italy đã bị sụt giảm 2,6% và mức sụt giảm này được coi là tồi tệ nhất kể từ năm 2009.
Kinh tế Italy tính đến thời điểm này đã bước vào quý bị sụt giảm thứ năm giữa lúc những cắt giảm chi tiêu mạnh tay của chính phủ nhằm hạ thấp khoản nợ công khổng lồ khoảng 1.900 tỷ euro đã kìm hãm chi tiêu tiêu dùng và gây nên những cú sốc cho nền kinh tế.
GDP của Italy đã bị sụt giảm lần lượt là 0,7% trong quý hai năm nay, 0,8% trong quý một năm nay, 0,7% trong quý 4/2011 và 0,2% trong quý 3/2011. Đây là đợt suy thoái kinh tế thứ tư của Italy kể từ năm 2001./.
Ngự Bình/Rome (Vietnam+)