Dân Keangnam choáng vì chủ đầu tư "hành xử lạ"

Các hộ dân sinh sống ở toà nhà hiện đại nhất Việt Nam lại bị một phen sững sờ vì yêu sách thu tiền… rất lạ của phía chủ đầu tư.
Tưởng như Keangnam Vina đã có thiện chí với cư dân để đưa đến cho những chủ nhân đích thực của tòa nhà  hiện đại nhất Thủ đô những dịch vụ thực sự đẳng cấp và tương xứng sau buổi họp với ban đại diện lâm thời ngày 26/12/2011. Thế nhưng, các hộ dân sinh sống ở toà nhà hiện đại nhất Việt Nam lại bị một phen sững sờ vì yêu sách thu tiền… rất lạ cũng như cách nói một đằng, làm một nẻo của phía chủ đầu tư.

Như Vietnam+ đã đưa tin trước đó, mâu thuẫn giữa cư dân toà nhà Keangnam Landmark Tower và chủ đầu tư lại một lần nữa “dậy sóng” vì nhiều dịch vụ, tiện ích tại đây sẽ bị cắt giảm với lý do " mức phí chỉ đủ như vậy."

Gần 1000 người sử dụng... 1 thang máy

Như là để cho cư dân "biết tay,"  phần lớn dịch vụ trong tòa nhà đã bị cắt giảm không thương tiếc. Chung cư với hơn 900 hộ dân chỉ còn 4 nhân viên vệ sinh, 2 người lau dọn cho một tòa nhà  48 tầng.

Chưa hết, an ninh của cả khu vực rộng lớn này sẽ chỉ giao cho 2 vị trí. Bức xúc nhất, theo nhiều người là việc thang máy bị cắt giảm một cách tối đa, chỉ còn 2 thang máy phục vụ cho gần nghìn người.

Về việc cắt giảm thang máy, theo nhiều người dân tại Keangnam, đây là hành vi cố tình vi phạm tài sản chung của cư dân. Đại điện cư dân nơi đây giải thích, mức giá 3000USD/m2 mà người dân phải bỏ đã dựa trên hệ số 8 tháng máy và 2 thang hàng cho tòa nhà với mật độ hơn 400 căn hộ.

"Mật độ trung bình được quy định chung cho các tòa nhà khi xây dựng là một thang máy phục vụ từ 50-60 hộ dân (tương ứng khoảng hơn 200 người), anh Hải,  một cư dân Keangnam kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhận định.  Với việc cắt chỉ còn 02 thang máy đi lại, hiện mật độ này gấp 4 lần cho phép. Hơn 200 hộ dân, tương ứng 800-900 người/thang máy, dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng thời gian và cuộc sống của người dân.

Quyết định của chính quyền bị...dịch sai

Với việc không thu gom rác, bắt bà con tự đưa rác từ các tầng xuống hầm, chỉ có 2 người lau dọn cho cả một tòa nhà 48 tầng, ban quản lý đã vi phạm và "dịch sai" quyết định của thành phố, bác Trạch, phó ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam cho biết.

Theo đó, trong khi quyết định 4520 qui định rất rõ ràng: Quét dọn vệ sinh diện tích công cộng (bao gồm cả thu gom rác) của tòa nhà đảm bảo sạch gọn (1 lần/ngày). Với 2 người, làm việc giờ hành chính, không thể vệ sinh hết 1/3 số tầng của tòa nhà, tôi thật không hiểu nổi cách hành xử của ban quản lý, bác Trạch ngán ngẩm.

Bức xúc tăng cao khi ngày 2/1, dù "không đủ tiền" trả lương nhân viên thu dọn rác, nhưng các nhân viên phụ trách  việc này lại được chỉ đạo mở toang cửa khu đổ rác để mùi bay ra các hành lang. Cư dân tầng 24 tòa nhà A kể: em cứ ra đóng cửa phòng khu rác lại thấy một chị vệ sinh ra mở toang, em hỏi sao lại làm thế, thì cô này nói, em được lệnh là phải luôn mở cửa phòng này, nếu đóng mà bị phát hiện sẽ bị trừ lương!

[Keangnam phải cung cấp dịch vụ đầy đủ cho dân]

Khi ban đại diện lâm thời tiến hành thuê công ty  vệ sinh bên ngoài để giúp cư dân đổ rác thì  lập tức  hai thang máy chở hàng, rác cũng là 2 thang thoát hiểm của tòa nhà bị khóa lại.

Chị Mai, trưởng ban đại diện lâm thời bức xúc: "Với việc khóa cầu thang thoát hiểm, chỉ đạo mở cửa để mùi rác bay ra hành lang, họ đang cố tình chèn ép cư dân, làm ảnh hưởng môi trường sống cũng như trực tiếp hủy hoại tài sản chung của cư dân...

“Họ không cung cấp dịch vụ cho chúng tôi, đến khi mọi người phải tự làm thì họ lại ngăn cản. Đây phải chăng là cách tôn trọng người dân của phía chủ đầu tư,” anh K., một người dân sinh sống tại toà tháp B của Keangnam Landmar Tower đặt ra câu hỏi?

Keang nam không đủ đẳng cấp cung cấp dịch vụ cho cư dân

Mọi việc chưa dừng ở đó, ngày 3/1/2012, nhiều hộ dân xuống đóng phí đã bị từ chối vì lý do, họ chưa đóng đủ phí dịch vụ trong những tháng xảy ra tranh chấp giữa hai bên, cụ thể là tháng 11 và 12/2011.

Đại diện Keangnam Vina đưa ra yêu cầu, nếu muốn đóng mức phí mới, họ phải trả tiền hai tháng cuối năm 2011 với mức giá 18.700 đồng/m2.

Điều này, lại một lần nữa châm ngòi cho lửa giận của nhiều cư dân sinh sống tại đây.

"Họ đã đánh đố cư dân bằng việc thu phí chỉ trong 3 ngày từ 3-5/1, 3 ngày với một nhân viên để thu phí của 900 hộ dân đã là quá quắt lắm rồi. Tôi xếp hàng 3 tiếng đồng hồ mới đến lượt thì cô nhân viên thản nhiên bảo: 'nhà chị phải đóng phí tháng 11,12 mới thu tiếp tháng 1.' Tôi đồng ý đóng mức tạm thu mà Keangnam đã đề xuất là 4000 đồng/m2  thì được trả lời là, phải đóng mức 18.700 đồng/m2," chị Hiền ở tầng 33 nhà B bực bội.

Mức phí 18.700 đồng/m2 đã bị mọi người phản đối ngay từ Keangnam đưa ra vào cuối tháng 10, từ việc  phản đối này mới dẫn đến hàng loạt vụ việc chướng tai, gai mắt, coi thường cư dân, phớt lờ pháp luật của Keangnam.  Chả có lý gì mà bây giờ chúng tôi lại phải đóng, chị Hiền nói thêm.

Hơn nữa, trong tháng 11 và 12/2011, phía chủ đầu tư đã đơn phương cắt rất nhiều dịch vụ như bể bơi, phòng thể dục, phòng trẻ em, thậm chí những tiện ích tối thiểu như ánh sáng, bảo vệ, lễ tân cũng đã bị “tiết giảm” tối đa. “Những dịch vụ đơn giản như vậy, họ cũng đã tự ý cắt bỏ, thì lý nào lại đòi thu theo mức phí chót vót mà họ tự đưa ra,” chị Hà, cư dân tòa nhà A nói.

Cô Q, cư dân tòa nhà A thì bất bình, quãng thời gian Keangnam đòi thu mức phí ngất ngưởng kia, an ninh của toà nhà thậm chí còn bị xâm phạm hậu quả là một người dân bị côn đồ hành hung ngay trong khu chung cư. Lại thêm sự kiện ầm ĩ khi Keangnam cắt thang máy, chặn lối về của hàng trăm hộ dân, làm sao mà họ có thể  phách lối như thế được.

Phải chăng họ muốn chúng tôi không đóng được phí tháng 1 để rêu rao là:cư dân đến 4000 đồng/m2 cũng không đóng? Và việc cắt giảm dịch vụ, cũng là một "chiêu hiểm" nhằm chia rẽ nội bộ cư dân, cố ý hướng dư luận đến hiểu sai bản chất vấn đề "đấu tranh" của cư dân là muốn rẻ thì dịch vụ kém, còn kêu gì, cô Q bức xúc.

Chúng tôi không cần rẻ. Chúng tôi phản đối mức phí  Keangnam đưa ra không phải vì nó cao, mà vì nó không được dựa trên hạch toán thu chi và  mấu chốt nhất là không hề tương xứng với dịch vụ cư dân được hưởng, cô Q khẳng định.

Thẳng thắn hơn, chị Nga, cư dân tòa nhà B chia sẻ: " Tôi bỏ mười mấy tỷ để mua 2 căn nhà ở đây, chưa một ngày chậm bất cứ một khoản nào, nên không phải tôi không có tiền đóng dịch vụ kể cả là nó 20 nghìn  đồng hay 50 nghìn đồng. Chẳng qua là cái dịch vụ đang có ở đây đến 4000 đồng cũng chẳng đáng, nếu bà con không vì kêu gọi của ban đại diện hãy hợp tác với ban quản lý thì 4000 đồng tôi cũng không đóng".

Trả lời câu hỏi của Vietnam+, anh Hà, một thành viên ban đại diện cư dân cho biết: "Chính quyền và các cơ quan chức năng đã yêu cầu Keangnam và Chetsnus minh bạch cơ chế cấu thành giá, cư dân thì sẵn sàng hợp tác để cùng với họ đưa ra các dịch vụ cần thiết với các tiêu chí đi kèm (chúng tôi đã gửi cho họ bản kê các yêu cầu về dịch vụ từ tháng 7/2011). Cư dân hoàn toàn sẵn lòng đóng phí cao, nhưng Keangnam lại không cho thấy họ có thể cung ứng được các dịch vụ đẳng cấp. Những dịch vụ tối thiểu nhất họ cũng cố tình cắt giảm. Cư dân thực sự không hiểu, họ kinh doanh theo đẳng cấp nào và văn hóa nào?''

Không phải chúng tôi không có tiền hoặc không đủ đẳng cấp để hưởng dịch vụ cao cấp, mà chính họ-Keangnam Chestnus không đủ đẳng cấp để cung cấp các dịch vụ ở mức trung bình, chứ đừng nói là cao cấp, anh Hà ngao ngán nhận định.

Chính vì những hành xử thiếu thiện ý, bắt chẹt cư dân của ban quản lý, một lần nữa cuộc sống của các cư dân tòa nhà Keangnam lại lao đao và Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam buộc lại phải đâm đơn tố cáo Công ty Trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Keangnam Vina lên Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng sớm can thiệp để các cư dân có thể được an cư trong căn hộ tiền tỷ của mình nhất là khi năm âm lịch đang cạn ngày, Tết cổ truyền của người Việt Nam đã cận kề./.

XD (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục