Trên một triệu nông dân Việt Nam và gia đình của họ đã được hưởng lợi thông qua các hoạt động của Dự án “Chương trình hỗ trợ phát triển ngành Nông nghiệp và Nông thôn (ARD SPS)” do Đan Mạch tài trợ.
Đó là thông tin vừa được ngài Đại sứ Đan Mạch John Nielsen công bố tại hội nghị tổng kết Dự án Hỗ trợ chương trình phát triển Nông nghiệp và Nông thôn giai đoạn 2007-2013, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức sáng nay (16/12), tại Hà Nội.
Chương trình này kéo dài 6 năm (2007-2013) và được triển khai tại 5 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Đắk Lắk và Đắk Nông, với mục tiêu nhằm tăng trưởng bền vững phúc lợi hộ gia đình nông thôn vùng cao thông qua những cải tiến trong quản lý tài nguyên, sản xuất nông nghiệp và tiếp thị, tập trung vào những người nông dân nghèo vùng cao, đặc biệt là phụ nữ và dân tộc thiểu số.
Với tổng ngân sách cho chương trình là 42 triệu USD, chương trình gồm có hai hợp phần: Hợp phần cấp tỉnh tập trung hỗ trợ các kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tại 5 tỉnh; hợp phần trung ương hỗ trợ nghiên cứu về chiến lược sinh kế nông thôn tại 5 tỉnh thuộc dự án nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo.
Theo đó, ngài Đại sứ John Nielsen cho biết, sau 6 năm thực hiện, chương trình Hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp giảm tỷ lệ nghèo tại 5 tỉnh vùng cao Việt Nam từ 25% năm 2007 xuống còn 10-12% hiện nay.
Cụ thể, sau 6 năm triển khai chương trình, đến nay có ít nhất 70.000 hộ nghèo vùng cao trong các huyện được chọn của 5 tỉnh đã cải thiện tình hình an ninh lương thực và có mức thu nhập cao và ổn định hơn.
Đặc biệt, có ít nhất 50.000 hộ nghèo vùng cao đã có thu nhập cao hơn 30% từ các sản phẩm truyền thống và các sản phẩm khác. Tại Đắc Lắk và Đắk Nông, ít nhất 10.000ha đất rừng được phân bố đến các hộ nông thôn hoặc các cộng đồng và được quản lý tốt theo hệ thống pháp luật.
Chương trình đã hỗ trợ hình thành mô hình trồng mây tre đan giúp phát triển khu sản xuất mây tre đan tại xã Na Tấu (Điện Biên) với tổng diện tích 12 ha, tạo thu nhập trung bình 33 triệu đồng/năm/ha; mô hình sản xuất thanh long đã được xây dựng tại Thanh Minh, Tà Lẻng, Noong Bua, và Thanh Trường với diện tích 4ha; mô hình trồng chè tại các xã Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sin Thàng và Sin Chải có diện tích 4,44 ha; mô hình trồng lúa chuyên canh cho người dân di cư; mô hình đào tạo liên kết trồng cà phê tại xã Mường Bảng với diện tích 2,99ha…
“Thông qua hỗ trợ của chính phủ Đan Mạch, chúng tôi muốn đảm bảo rằng những người nông dân nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ chính sách phát triển", ngài Đại sứ John Nielsen nói./.