Dân mạng phẫn nộ vì người phát minh RSS tự sát

Cư dân mạng Mỹ đã bày tỏ sự phẫn nộ, vì cho rằng chính các công tố viên đã đẩy người phát minh công nghệ RSS Swartz tới cái chết.
Các công tố viên Mỹ đã hứng chịu cơn phẫn nộ từ các nhà hoạt động trên mạng, sau khi chiến dịch mà họ nhằm vào người đấu tranh vì tự do internet Aaron Swartz được cho là nguyên nhân khiến nhà tiên phong phát minh ra công nghệ RSS tự sát. Swartz, mới 14 tuổi khi cùng phát triển công nghệ RSS hiện là nền tảng cho việc đăng tải các tin tức cập nhật trên mạng và là người chung tay sáng lập trang mạng tin tức xã hội Reddit, đã treo cổ tự tử trong căn hộ của anh ở New York ngày 11/1. Schwartz dự kiến phải ra tòa vào tháng Tư với cáo buộc đột nhập vào mạng máy tính của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) để tải về hàng triệu bài báo học thuật từ dịch vụ JSTOR chỉ dành cho người có đăng ký của trường này. Anh đã có tiền sử chứng trầm cảm gián đoạn, nhưng bạn bè và gia đình cho rằng phiên tòa sắp tới đã khiến Schwartz tự sát và cáo buộc MIT cũng như các công tố viên hành xử quá đáng trong vụ việc. “Cái chết của Aaron không đơn giản là một bi kịch cá nhân. Đó là sản phẩm của một hệ thống tư pháp bị ám ảnh bởi quyền lực của các công tố viên,” một tuyên bố của gia đình nói. “Những quyết định của Văn phòng Chưởng lý Massachusetts và ở MIT đã góp phần vào cái chết này.” Chủ tịch MIT L. Rafael Reif bày tỏ sốc và đau buồn trước cái chết của Swartz và yêu cầu giáo sư khoa khoa học máy tính và công nghệ Hal Abelson tiến hành cuộc “phân tích đầy đủ” sự liên quan của MIT với vụ việc. “Tôi muốn nói rõ rằng tôi và tất cả những ai ở MIT hết sức đau buồn vì cái chết của chàng trai trẻ đầy hứa hẹn này,” Reif nói trong một tuyên bố. “Tôi thấy rất đau đớn khi nghĩ rằng MIT có vai trò gì trong hàng loạt sự kiện đã kết thúc bằng một bi kịch.” Swartz không nhận tội với các cáo buộc lừa đảo qua máy tính, lừa đảo qua mạng và các tội khác với mức án tối đa 35 năm tù giam và khoản phạt 1 triệu USD. Chưởng lý Mỹ Carmen Ortiz, người đã truy tố Swartz, từng nói: “Ăn cắp là ăn cắp dù cho sử dụng lệnh máy tính hay một cái xà beng, và dù là bạn lấy tài liệu, thông tin hay những đồng đô-la.” Khi được yêu cầu bình luận về cái chết của Swartz và những cáo buộc từ phía gia đình, người phát ngôn Văn phòng chưởng lý Mỹ Christina DiIorio-Sterling nói: “Chúng tôi muốn tôn trọng sự riêng tư của gia đình và cho rằng lúc này đưa ra bình luận về vụ việc là không thích hợp.” Trong khi đó, những lời chia sẻ và thương tiếc đổ về từ bạn bè, đồng nghiệp cũ và những người dùng internet. “Aaron đã chết. Những người lang thang trên mạng, chúng ta đã mất một vị trưởng lão khôn ngoan. Những hacker mũ trắng, chúng ta đã mất một người đồng đội. Các bậc cha mẹ, chúng ta đã mất một người con. Hãy cùng khóc thương,” Tim Berners-Lee, người tạo ra định dạng World Wide Web, viết trên Twitter. Tay viết blog có tiếng và là bạn của Swartz, Cory Doctorow, nói Swartz “có thể đã cách mạng chính trị ở Mỹ (và trên toàn thế giới). Di sản của anh ấy vẫn tiếp tục làm như thế”. Một số phản ứng về vụ tự sát của Swartz hướng chỉ trích trực tiếp vào những công tố viên đã tìm cách truy tố anh với các tội hình sự. “Chúng ta cần cảm nhận tốt hơn về công lý,” giáo sư luật Đại học Harvard, Lawrence Lessig, Giám đốc Trung tâm đạo đức học Edmond J. Safra, nơi Swartz từng giảng dạy, nói. “Câu hỏi đặt ra là chính quyền cần trả lời tại sao nhất thiết phải tô vẽ Aaron Swartz như một kẻ tội đồ.”
Dân mạng phẫn nộ vì người phát minh RSS tự sát ảnh 1
Aaron Swartz được coi là một hacker mũ trắng (Nguồn: AFP)
Hai năm trước sự kiện MIT, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã mở điều tra sau khi Swartz tiết lộ hàng loạt tài liệu của tòa án liên bang Mỹ trên mạng, vốn thường chỉ có thể tiếp cận sau khi trả một khoản phí thông qua Chương trình hồ sơ điện tử của tòa án cho phép công chúng tiếp cận, hay PACER. Alex Stamos, một lãnh đạo ở công ty Artemis Internet, nói ông đã dự định ra điều trần với tư cách nhân chứng chuyên gia trong phiên tòa xử Swartz sắp tới. “Tôi biết những vụ tấn công nào là tội ác, và việc Aaron tải về các tài liệu học thuật từ một ổ dữ liệu đã mở khóa không phải là tội đáng nhận 35 năm tù giam,” ông viết trên trang blog của mình./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục