Dân số cơ học Hà Nội tăng tới 5 vạn người mỗi năm

Cùng với sự gia tăng dân số cơ học, chất lượng dân số thấp và không đồng đều đang là vấn đề đặt ra đối với công tác dân số Hà Nội.
Những năm gần đây, Hà Nội đang chịu áp lực gia tăng dân số, nhất là trong khu vực nội thành nhưng chất lượng lại thấp và không đồng đều giữa nội thành và ngoại thành, đây là những thách thức đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Thủ đô.

Số liệu thống kê cho thấy sau khi mở rộng địa giới hành chính, dân số Thủ đô đạt trên 7,1 triệu người. Đặc biệt trong vòng 4 năm (2008-2011) dân số Hà Nội đã tăng khoảng 43 vạn người, trong đó tăng dân số cơ học lên tới 5 vạn người/năm, chủ yếu thuộc các đối tượng trong độ tuổi lao động.

Bên cạnh những tác động tích cực như phát triển lực lượng lao động trẻ, tạo điều kiện tập trung nguồn nhân lực có chất lượng cao, tăng dân số cơ học còn gây áp lực lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội và phát triển đô thị.

Cùng với tăng dân số tự nhiên, tăng dân số cơ học gây áp lực lớn cho công tác khám chữa bệnh và công tác giáo dục đào tạo, gây ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện, trường học. Việc kiểm soát quy mô, cơ cấu dân số gặp khó khăn. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình không bảo đảm.

Việc bố trí nguồn nhân lực để chủ động triển khai thực hiện công tác dân số cũng sẽ khó đạt kết quả… Công tác điều tra dân số, quản lý dân cư gặp nhiều trở ngại khi số người không đăng ký hộ khẩu thường trú khá lớn. Theo ước tính, mật độ dân số trung bình của Hà Nội gấp 8 lần mật độ chung của cả nước và có sự phân bố không đồng đều, chênh lệch lớn giữa khu vực ngoại thành và nội thành.

Ngoài ra, tăng dân số cơ học kéo theo không ít hệ lụy tác động xấu tới giao thông đô thị, môi trường, an ninh trật tự cũng như chất lượng sống của người dân. Tăng dân số cơ học còn ảnh hưởng tới sức khỏe người dân khi điều kiện sống, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường không được bảo đảm. Thường các đối tượng di dân tập trung chủ yếu ở những nơi có mức sống không tốt như ven sông, khu chợ, do đó điều kiện sống còn thấp kém.

Cùng với thách thức về gia tăng dân số cơ học, chất lượng dân số thấp và không đồng đều giữa khu vực nông thôn-thành thị, khu vực ngoại thành-nội thành cũng đang là vấn đề đặt ra đối với công tác dân số của Hà Nội.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 30 dân tộc cư trú; trình độ dân trí và mức sống của mỗi dân tộc, mỗi vùng khác nhau. Nhận thức về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mức thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cũng có khoảng cách và khác biệt giữa các khu vực.

Trên thực tế, tại các huyện ngoại thành, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh và tình trạng sinh con thứ ba trở lên thường rất cao.

Theo báo cáo về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, năm tháng đầu năm 2013, những trọng điểm sinh con thứ ba cao chủ yếu rơi vào các huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ... Các đơn vị tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao cũng thường ở những khu vực này như Gia Lâm, Ứng Hòa, Mê Linh...

Nâng cao chất lượng dân số - thu hẹp khoảng cách chênh lệch về chất lượng dân số là vấn đề được chính quyền và các ban ngành Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Trong những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành dân số Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó hướng mạnh về cơ sở, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các đợt tập huấn cho báo cáo viên dân số về kỹ năng truyền thông, cung cấp các thông tin, kiến thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Trong hoạt động truyền thông, việc phân loại các nhóm đối tượng tuyên truyền (mỗi nhóm đối tượng cụ thể sẽ có hướng tiếp cận riêng phù hợp) là một trong những giải pháp được ngành dân số Thủ đô triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, để công tác truyền thông đạt hiệu quả cũng không hề dễ dàng, khi đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại các huyện ngoại thành còn mỏng, thiếu cán bộ chuyên sâu.

Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố triển khai và thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số như mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, mô hình tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản... Trong đó đã triển khai thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tiến hành lấy máu xét nghiệm tại 100% bệnh viện tuyến quận, huyện, một số bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn, bệnh viện thành phố và mở rộng thực hiện tại các trạm y tế xã, phường.

Tuy nhiên, việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo thống kê, tỷ lệ trẻ em sinh ra bị tật, dị tật vẫn chiếm tỷ lệ cao ở mức 1,5-2%, trong khi tỷ lệ sàng lọc hàng năm mới đạt 30% số sinh.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cũng đang triển khai và tổ chức thực hiện đề án tầm soát, phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2013-2015 ở thành phố và 29 quận, huyện.

Đề án này có tổng kinh phí dự kiến trên 100 tỷ đồng, nhằm thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2015 98% bà mẹ có thai được tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; 95% phụ nữ có thai được sàng lọc trước sinh; 90% số trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh.

Chi cục hoàn thiện và trình phê duyệt đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội đến năm 2015; đẩy mạnh các hoạt động mô hình, can thiệp nâng cao chất lượng dân số Thủ đô trong tình hình mới...

Theo ông Tạ Quang Huy, Chi Cục trưởng chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố, để thực hiện tốt các công việc trên, ngành Dân số đang kiện toàn đội ngũ cán bộ dân số các cấp, mở rộng mạng lưới và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở cấp quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất cho các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận, huyện có đủ điều kiện sàng lọc và đầu tư sinh phẩm hóa chất thực hiện xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho ít nhất 95% tổng số sinh trên toàn thành phố./.


Tuyết Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục