Dân số giảm - Mối lo ngại lớn đe dọa nền kinh tế thế giới

Các nhà kinh tế học mới đây cho biết có tới 30% tăng trưởng kinh tế là do lực lượng lao động tăng thêm tham gia vào nền kinh tế mỗi năm quyết định.
Dân số giảm - Mối lo ngại lớn đe dọa nền kinh tế thế giới ảnh 1Người đi bộ trên đường phố ở Rio Branco (Brazil). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khủng hoảng tài chính 2007-2009 không chỉ cướp đi hàng triệu việc làm và hàng tỷ USD mà còn ảnh hưởng tới mong muốn sinh con của các cặp vợ chồng trên toàn cầu.

Đây là một dấu hiệu không tốt đối với nền kinh tế thế giới nói chung.

Chúng ta thường cho rằng tăng trưởng kinh tế gắn liền với những nỗ lực và tính hiệu quả trong công việc.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học mới đây cho biết có tới 30% tăng trưởng kinh tế là do lực lượng lao động tăng thêm tham gia vào nền kinh tế mỗi năm quyết định.

Lao động tăng thêm đồng nghĩa với sản xuất tăng trưởng, tăng thu nhập và chi tiêu. Hiện tại, nguồn động lực kinh tế này đang giảm dần xuống một mức đáng báo động. Đáng ngại nhất là nền kinh tế đang thiếu một lực lượng bổ sung ở độ tuổi lao động 20-64.

Lực lượng thuộc nhóm lao động này đã tăng trong nhiều thập kỷ nhờ vào tỷ lệ sinh đẻ tăng cao thời điểm sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai tại nhiều nước.

Tuy nhiên, giai đoạn này hiện đã kết thúc và nền kinh tế thế giới không có đủ lao động mới để thay thế thế hệ đang đến tuổi nghỉ hưu.

Sự chững lại trong tỷ lệ tăng trưởng dân số thuộc độ tuổi lao động có thể thấy ở nhiều nước phát triển như Pháp, Đức, Nhật Bản, Italy...

Theo các chuyên gia, dân số giảm sẽ kéo theo những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến mức sống của người dân.

Thiếu lực lượng lao động bổ sung sẽ khiến các quốc gia phát triển khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 3%/năm trong suốt 4 thập kỷ qua.

Kinh tế trì trệ sẽ kéo theo mức lương suy giảm và mức sống thấp hơn của người dân, kèm theo đó là sự chững lại của hoạt động đầu tư.

Sự sụt giảm trong tỷ lệ sinh đẻ bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước khi phụ nữ tại nhiều nước bắt đầu tham gia lực lượng lao động và các gia đình có quy mô nhỏ hơn.

Tỷ lệ này bắt đầu tăng tại nhiều nước từ năm 2000 tuy nhiên sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tại 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh, số trẻ em được sinh ra trong năm 2012 ít hơn 350.000 em so với năm 2008, tương đương 5%.

Một cuộc điều tra của hãng Gallup tại Mỹ năm 2013 đã chỉ ra phần lớn các gia đình không mong muốn có con xuất phát từ lo lắng tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục