Dân Việt "già" nhanh

Dân số Việt Nam đang có xu hướng bị "già hóa"

Tỷ lệ người già tăng, trong khi tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi giảm mạnh khiến chỉ số già hóa dân số của Việt Nam tăng từ 24,3% lên 35,5%.
Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, chỉ số già hóa dân số của Việt Nam tăng từ 24,3% lên 35,5% do tỷ lệ người cao tuổi tăng, trong khi tỉ lệ trẻ em giảm mạnh trong thập kỷ qua. Chỉ số này cao hơn mức trung bình của các nước khu vực Đông Nam Á (30%).

Đây là một trong những nội dung cơ bản của kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, công bố sáng nay 21/7, tại Hà Nội.

Tuy nhiên, kết quả này cũng cho thấy, hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ của “cơ cấu dân số vàng”. Cụ thể: Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33,1% (năm 1999) xuống còn 24,5% (2009). Tỷ trọng dân số nhóm tuổi từ 15 đến 64 tăng từ 61,1% lên 69,1% và nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên tăng từ 5,8% đến 6,4%.

Liên Hợp Quốc định nghĩa, thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” là thời kỳ mà tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm xuống dưới 30%, tỷ trọng người già từ 65 tuổi trở lên dưới 15% trong tổng dân số.

Theo khái niệm nói trên thì thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" của Việt Nam bắt đầu từ năm 2003 và có thể kéo dài từ 30 đến 50 năm.

Bà Trần Thị Vân, Trợ lý Trưởng đại diện- Phụ trách văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận xét, thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” là cơ hội duy nhất của mỗi quốc gia để có được nguồn nhân lực dồi dào. Nó là cơ hội để tạo ra sự đột phá cho đất nước.

Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, thời kỳ này có thể tạo ra những thách thức về việc làm và an sinh xã hội trong tương lai nếu lục lượng lao động trẻ không được trang bị về trình độ học vấn, đào tạo tay nghề và các cơ hội nghề nghiệp.

Cũng theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, mức tăng trưởng dân số trung bình hàng năm đã giảm đáng kể từ 1,7% trong giai đoạn 10 năm trước đây xuống còn 1,2% giai đoạn (1999-2009).

Con số này khẳng định mức sinh của quốc gia đã giảm liên tục trong nhiều năm qua. Điều này sẽ giúp giảm đi áp lực về tăng trưởng dân số đối với phát triển kinh tế-xã hội cũng như hệ thống an sinh, chính trị. Giảm mức sinh cũng góp phần giúp cho toàn xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác một cách hiệu quả và thuận tiện hơn./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục