Dâng bánh tét Quốc tổ và dâng hương Đức lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương tại đền Thượng và dâng hương Đức lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh diễn ra tại quần thể Khu tưởng niệm các Vua Hùng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Dâng bánh tét Quốc tổ và dâng hương Đức lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ảnh 1Nghi lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương và dâng hương Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ngày 12/2 (tức 27 tháng Chạp năm Đinh Dậu), Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương tại đền Thượng và dâng hương Đức lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tại quần thể Khu tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương diễn ra với nhiều nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Bánh tét dâng Quốc tổ được lựa chọn là những chiếc bánh đẹp, ngon cùng các đặc sản của vùng đất phương Nam.

Năm nay, Ban tổ chức còn tiến hành lễ dâng hương tưởng nhớ và ghi ơn Đức lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là vị tướng mở cõi Nam Bộ với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Đồng Nai, Gia Định vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc lãnh thổ Đại Việt, tức Việt Nam ngày nay.

Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương và dâng hương Đức lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những hoạt động truyền thống của Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức vào dịp đón Tết cổ truyền dân tộc, thể hiện sâu sắc tinh thần cộng đồng, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Đồng thời, qua đó cũng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đến thế hệ trẻ và người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Dịp Tết Mậu Tuất 2018, tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc sẽ diễn ra nhiều chương trình lễ hội, hoạt động văn hóa như triển lãm thư họa, biểu diễn trà Việt, trò chơi dân gian, chợ hoa ngày Tết, biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc, võ thuật, lân sư rồng...

Các hoạt động hướng tới việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và lòng tự hào dân tộc đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục