Đảng Cộng hòa tìm cách hạn chế hậu quả bài phát biểu của ông Trump

Đảng Cộng hòa của Mỹ đang tìm cách hạn chế phản ứng tiêu cực trước những phát biểu mang tính bài người Hồi giáo của ứng cử viên hàng đầu của đảng này, tỷ phú Donald Trump vào ngày 9/12 vừa qua,
Đảng Cộng hòa tìm cách hạn chế hậu quả bài phát biểu của ông Trump ảnh 1 Ứng cử viên Donald Trump phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử ở Mt. Pleasant, Nam Carolina ngày 7/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đảng Cộng hòa của Mỹ đang tìm cách hạn chế phản ứng tiêu cực trước những phát biểu mang tính bài người Hồi giáo của ứng cử viên hàng đầu của đảng này, tỷ phú Donald Trump, ngày 9/12 vừa qua, và quan ngại rằng những phát ngôn gây nhiều tranh cãi này có thể tác động không nhỏ đến triển vọng vào Nhà Trắng của ứng cử viên đảng này vào năm sau.

Các ứng cử viên đảng Cộng hòa, vốn kỳ vọng chấm dứt hai nhiệm kỳ cầm quyền liên tiếp của đảng Dân chủ, đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa việc đẩy tỷ phú Trump, người luôn dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò, ra khỏi cuộc đua chung, hoặc là cược cả thanh danh truyền thống 161 năm của đảng vào nhân vật mà nhiều người Mỹ cho là bảo thủ.

Nhiều ứng cử viên Cộng hòa đã phản đối kế hoạch cấm các tín đồ Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ của ông Trump sau khi hai đối tượng bị cực đoan hóa thực hiện vụ tấn công tại thành phố San Bernardino, bang California khiến hơn 30 người thương vong.

Các đối thủ cùng đảng của ông Trump đều cho rằng đề xuất này không nghiêm túc và quá khích. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến chỉ trích, một số ứng cử viên đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sỹ Ted Cruz, lại bày tỏ sự tôn trọng đối với đối thủ của mình.

Trước đó, ngày 7/12, tỷ phú Trump đã kêu gọi cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, khẳng định nước Mỹ không thể là nạn nhân của những vụ tấn công do những kẻ cực đoan gây ra.

Ngay lập tức, Nhà Trắng đã phản đối phát biểu và đề xuất mang tính kỳ thị tín đồ Hồi giáo của ứng cử viên sáng giá của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, coi đề xuất trên của ông Trump đi ngược lại những giá trị và lợi ích làm nên nền tảng của nước Mỹ.

Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nhấn mạnh ý tưởng này không phù hợp với an ninh quốc gia Mỹ khi điều mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng muốn là thổi bùng lên cuộc chiến giữa nước Mỹ và đạo Hồi.

Theo ông Rhodes, việc kiểm soát vấn đề tôn giáo đối với những người muốn đến Mỹ sẽ gây phương hại tới an ninh quốc gia, đồng thời đặt ra câu hỏi về chính sách đối với cộng đồng người Hồi giáo tại Mỹ trong cuộc chiến chống cực đoan hóa.

Phát biểu mang tính phân biệt chủng tộc của tỷ phú vốn có nhiều phát ngôn "đao to búa lớn" này còn khiến ông chủ Facebook Mark Zuckerberg lên tiếng. Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Facebook ngày 9/12, tỷ phú trẻ tuổi viết "Là một người Do Thái, cha mẹ tôi đã dạy dỗ tôi phải đứng lên chống lại hành động tấn công nhằm vào mọi cộng đồng dân cư. Cho dù âm mưu tấn công không nhằm vào bạn mà lại nhằm vào sự tự do của ai đó, thì cũng khiến người khác bị tổn thương."

Nhà sáng lập Facebook trấn an cộng đồng người Hồi giáo tại Mỹ khi khẳng định nước Mỹ luôn rộng mở đón chào, bảo vệ các quyền của họ và thiết lập một môi trường an toàn cho họ.

Giới phân tích nhận định đảng Cộng hòa sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng những phương án tới nhằm vào tỷ phú Trump và bảo toàn hình ảnh của đảng này trong cuộc tranh cử sắp, do với tỷ lệ ủng hộ lên tới 68% hiện nay, ông Trump vẫn tự tin có thể tham gia tranh cử với tư cách là ứng cử viên độc lập.

Điều này xảy ra chắc chắn sẽ tác động đến sự phân bổ phiếu ủng hộ của các ứng cử viên Cộng hòa tiềm năng khác.

Nhiều ý kiến của giới phân tích còn cho rằng với việc cử tri người Mỹ da trắng có xu hướng giảm trong những năm gần đây, trong khi cộng đồng người Mỹ Latinh hay gốc Phi lại thường đóng góp lá phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa sẽ càng phải thận trọng hơn nữa trong đường lối tranh cử trong thời gian tới, đặc biệt liên quan tới vấn đề di cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục